Nâng ngực liệu có gây ung thư vú?
Chia sẻ trên mạng xã hội, GS.TS.Trần Thiết Sơn (Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội) đã giải đáp thắc mắc của chị em về phẫu thuật ngực an toàn và thẩm mỹ.
Nâng ngực là biện pháp an toàn nếu túi độn đưa vào cơ thể có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất liệu được phép sử dụng trong thẩm mỹ
Theo bác sĩ Sơn, nhiều chị em đang có ý định nâng ngực còn lo ngại về nguy cơ mắc ung thư vú, có thể hoàn toàn yên tâm vì biện pháp này an toàn đối với vòng 1.
Nếu túi độn đưa vào cơ thể có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, là chất liệu được phép sử dụng trong thẩm mỹ, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm. Hiện nay các chất liệu túi độn được phép sử dụng đã được kiểm duyệt rất chặt chẽ.
Các chất liệu túi độn giả hoặc bị cấm sử dụng sau một thời gian chất liệu có sự tương tác với cơ thể, vỏ túi biến chất, biến dạng (tiêu vỏ) gây ra các hậu quả như bao xơ hay các biến chứng như ung thư.
GS.TS Trần Thiết Sơn chia sẻ theo một nghiên cứu của Mỹ trên quần thể người có sử dụng túi độn và không sử dụng túi độn, tỷ lệ ung thư là 4,5% trên quần thể người không sử dụng túi độn và 4,45% trên quần thể người có đặt túi độn. Tuy nhiên, sự khác biệt về con số không có ý nghĩa. Sự xuất hiện của ung thư vú nằm ngoài việc đặt túi độn.
Về lâu dài, không có một chất liệu túi độn nào có hạn sử dụng vĩnh viễn nên chị em cần theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Sau 10 – 15 năm dù không có biểu hiện bất thường, chị em cũng nên chụp cắt lớp ngực để bác sĩ khảo sát lại đặc điểm của túi. Túi ngực còn toàn vẹn có thể sử dụng thêm 10 năm. Trường hợp chất liệu có sự thay đổi cần được can thiệp chuyên môn kịp thời
Phương Nguyên (t/h)