Năng lượng sạch ở vùng quê
Đó là những hoạt động của dự án “Triển khai phương pháp quy hoạch năng lượng địa phương dựa vào cộng đồng” mà Green ID triển khai tại hai xã Bắc Hải, Nam Cường thuộc huyện Tiền Hải (Thái Bình) với sự tài trợ của SIDA (Thụy Điển). Hiện dự án đang được mở rộng tại Nam Định với sự tài trợ của Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (Đức).
Tận dụng chất thải
Trên nóc của tòa nhà UBND xã Nam Cường, huyện Tiền Hải là hệ thống pin năng lượng mặt trời với công suất 1.500W, cấp điện cho hệ thống lọc nước R.O bên dưới và hoạt động của toàn bộ UBND xã. Sau khi lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, mỗi tháng xã tiết kiệm được hơn 500 nghìn đồng tiền điện và không lo mất điện.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời cấp điện cho hệ thống lọc nước R.O bên dưới và hoạt động của toàn bộ UBND xã.
Trước đây, khi rửa bát, đĩa vào mùa đông, các cô tại trường Mầm non Nam Cường thường phải đun nước nóng bằng củi nên rất khói và tốn kém. Từ khi được dự án đầu tư hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời thì những ngày nắng các cô sẽ có đủ nước nóng dùng cho cả ngày. Cô Lương Thị Sợi, trưởng bếp ăn của trường cho biết: Dự án còn hỗ trợ trường xây dựng hệ thống biogas từ thức ăn thừa và chất thải. Sử dụng biogas góp phần giảm chi phí dùng gas, giảm ô nhiễm môi trường trong trường học”.
Có trang trại nuôi lợn lớn, sau khi được ban quản lý dự án vận động, gia đình anh Trần Sinh Bảo (thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường) tự nguyện cung cấp nguồn chất thải từ trang trại để xây dựng hệ thống biogas cộng đồng, phục vụ hộ các hộ gia đình xung quanh.
“Trung bình mỗi một lứa, trang trại của gia đình tôi nuôi hơn 2.400 con lợn nên lượng chất thải rất lớn. Trước đây, gia đình chỉ xây dựng các bể biogas nhỏ phục vụ gia đình nên lượng gas còn thừa nhiều. Khi dự án sử dụng năng lượng bền vững đề cập đến việc xây dựng hệ thống biogas cộng đồng để cung cấp cho người dân trong thôn thì tôi ủng hộ ngay. Hệ thống biogas có thể tích gần 5.000 khối đủ phục vụ cho 25 hộ dân trong thôn và một đồn biên phòng đóng trên địa bàn. Lượng gas vẫn có thể đủ dùng cho khoảng 80 hộ nên chúng tôi sẽ mở rộng thêm. Có hệ thống biogas này vừa giúp trang trại giải quyết vấn đề về môi trường, tận dụng được nguồn năng lượng sẵn có vừa giúp gia đình và người dân trong thôn tiết kiệm nhiên liệu hàng tháng”, anh Bảo chia sẻ.
Biogas vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Theo chị Phạm Thu Hường (thôn Hoàng Mây, xã Nam Cường), mỗi tháng, nếu gia đình sử dụng gas công nghiệp để đun nấu thì mất hơn 200 nghìn đồng. Từ khi có gas cộng đồng, gia đình chị chỉ phải bỏ ra 20 nghìn đồng/tháng cho người tổ trưởng quản lý vận hành hệ thống. Số tiền tiết kiệm được chị dành mua sách vở cho con.
Nâng cao nhận thức người dân
Theo Green ID, dự án hỗ trợ nhân lực và kỹ thuật cho địa phương và người dân để họ lập kế hoạch sử dụng năng lượng tại cấp xã. Ban đầu là đào tạo người phỏng vấn, thu thập số liệu nhu cầu năng lượng tại địa phương. Từ những số liệu đó, các chuyên gia kỹ thuật phân tích, thảo luận và đưa ra các lựa chọn về giải pháp công nghệ phù hợp cho người dân, thông qua hình thức hội thảo, thăm quan học tập, triển lãm, trình diễn.
“Dự án đưa ra nhiều giải pháp sử dụng năng lượng phù hợp với tài chính của từng gia đình. Từ 300 nghìn đến 3 triệu đồng, hộ nghèo hay hộ giàu đều có thể sử dụng năng lượng sạch với mô hình bếp cải tiến, biogas… Dự án cũng làm cầu nối giữa nhà phân phối những sản phẩm công nghệ như máy lọc nước, đèn bão mặt trời, đèn led… và người dân để người dân được hỗ trợ 30 – 50 % giá trị của sản phẩm.
Dự án tập huấn kiến thức về năng lượng sạch cho cán bộ địa phương.
Mô hình năng lượng bền vững được triển khai tại 2 xã của Thái Bình vào tháng 8/2012 bao gồm: - Biogas hộ gia đình (42 hộ), biogas từ thức ăn thừa (2 trường mầm non), biogas cộng đồng (cung cấp gas miễn phí cho 25 hộ ở xã Nam Cường và 1 đồn biên phòng), bếp đun cải tiến (147 hộ) - Hệ thống cung cấp nước R.O (cung cấp nước sạch cho các cơ quan, trường học, trạm y tế và nhân dân trong xã), bình nước nóng năng lượng mặt trời (25 hộ) - Đèn bão năng lượng mặt trời (25 hộ), đèn Led cho hộ gia đình và trường học (62 hộ và 2 trường học) |
Đặc biệt, nhiều người dân không nằm trong diện thụ hưởng của dự án nhưng khi nhận thấy hiệu quả đã tự bỏ tiền ra để xây dựng các hầm biogas, hệ thống điện năng lượng mặt trời, bếp đun cải tiến…”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Green ID nói.
Ông Bùi Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường - Trưởng nhóm công tác năng lượng địa phương cho biết: “Những ngày đầu khi mới triển khai dự án, cả người dân và chính quyền địa phương đều bỡ ngỡ khi nghe đến hai từ “năng lượng”. Trong suy nghĩ đơn giản của chúng tôi thì chỉ là điện, gas, chất đốt. Thế nhưng sau hơn 2 năm thì chúng tôi đã hiểu thế nào tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, bền vững”.
Thông qua việc lập kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, người dân đã nâng cao nhận thức về những tác động, ảnh hưởng và mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng với thu nhập và môi trường của địa phương.
Thành công của dự án sử dụng năng lượng bền vững ở Thái Bình đang được nhân rộng ra 4 xã khác ở Nam Định, Thừa Thiên Huế và Cà Mau.
Mạnh Phúc
Tổng hợp