Năm học mới, nhiều dịch bệnh có nguy cơ lây lan
Trường học - môi trường thuận lợi cho bệnh tật
Theo ông Bắc, hiện nay cả nước có hơn 20 triệu học sinh, học tại 40.000 trường học trong cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2015-2016. Trong khi đó, trường học là nơi tập trung đông người nên có thể thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh, cũng như kiểm soát tốt tình hình sức khỏe học sinh.
Một số căn bệnh dễ mắc ở trường học như sốt xuất huyết (SXH), cúm, tay chân miệng, cận thị, cong vẹo cột sống, béo phì...
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 21.000 ca mắc SXH, lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm nay, bệnh xuất hiện chủ yếu ở nhóm trẻ từ 15 tuổi trở xuống, thay vì chỉ ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi như trước đây. Đáng lo ngại là virus SXH đã lưu hành ở nhiều týp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau nặng hơn lần trước.
Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong trường học (Bác sỹ khám cho bệnh nhân SXH ở Bình Phước)
Riêng tại Hà Nội, tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã ghi nhận hơn 930 trường hợp mắc SXH, rải rác ở một số quận, huyện như: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông. Ngoài ra còn có những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miêng, Ebola, MERS-CoV,...
“Bệnh tật xảy ra trong trường học đang có nguy cơ gia tăng đối với các nhóm bệnh liên quan đến học đường như: cận thị, cong vẹo cột sống, rối nhiễm tâm trí, răng miệng… Đây không phải là những căn bệnh lây nhiễm nhưng cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Tình trạng cận thị hiện nay chiếm khoảng 35% học sinh và đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành thị. Ngoài ra, tình trạng thừa cân, béo phì đang là vấn đề nhức nhối ở lứa tuổi học đường, đây là căn bệnh rất nguy hiểm, là tiền thân của bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch khi trưởng thành …”, TS. Bắc cho biết thêm.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lý giải về tình trạng trên, một phần là do nhiều nơi công tác đảm bảo vệ sinh trường học chưa đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Không chỉ có vậy, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức tới vấn đề sức khỏe học đường, vẫn chưa có cán bộ chuyên trách về y tế khám và tư vấn định kỳ cho học sinh, nhằm phát hiện và ngăn chặn sớm các dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe ban đầu.
Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ nhằm phân loại sức khỏe cho các học sinh là rất quan trọng. “Đây không phải khám để điều trị, mà khám để nhằm mục đích phát hiện ra các căn bệnh như: tật khúc xạ, tai mũi họng, rối nhiễm tâm trí… điều này nhằm giúp giáo viên có sự phân loại để dạy cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, nhằm giúp học sinh có hướng điều trị thích hợp khi bệnh mới ở giai đoạn đầu”, TS. Bắc nhấn mạnh.
Chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm
Chia sẻ về giải pháp trong công tác phòng chống, dịch bệnh trong nhà trường, TS. Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên, cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động phối hợp với các Sở Y tế và cơ quan có liên quan để triển khai các hoạt động phòng chống dịch, bệnh và tiêm vắc xin trong nhà trường.
Bên cạnh đó, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo nhà trường cần phối hợp với ngành y tế để tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thay đổi hành vi, đồng thời tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên hằng năm nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng. Việc truyền thông thay đổi nhận thức học sinh giúp các em vừa tự bảo vệ sức khỏe chính mình, vừa là tuyên truyền viên tích cực tới gia đình và xã hội.
Dạy trẻ giữ gìn vệ sinh chân tay để phòng bệnh.
Đối với dịch bệnh SXH, ngành y tế cần tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh và cộng đồng. Ngoài ra, hằng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học (bể nước dự trữ, bể nước cứu hỏa, bể nước nhà vệ sinh...); thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải); theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh, trẻ em...
Còn đối với bệnh tay chân miệng, nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh chung,... Các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và người trông trẻ, nhất là trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ, thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, sàn nhà, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như: đồ chơi, giá kệ đựng, đồ dùng học tập...
Hà Linh