Năm giải pháp hợp tác với các cơ chế nhân quyền Liệp Hiệp Quốc trong thời gian tới
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo "Các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ): Phương hướng hợp tác của Việt Nam", Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều vấn đề đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trong đó có vấn đề nhân quyền. Để có thể tham gia vào các liên kết hợp tác khu vực và thế giới, các nước đều phải tuân theo luật chơi chung đó là các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Trên lĩnh vực quyền con người, đó là các nguyên tắc và chuẩn mực pháp lý quốc tế được ghi nhận trong Bộ luật nhân quyền và các văn bản pháp lý quốc tế khác.
Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trước hết được thực hiện bởi pháp luật quốc gia nhưng nó cũng được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế mà các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ với tư cách là chủ thể của luật pháp và là thành viên của các điều ước quốc tế. Trên cơ sở luật pháp quốc tế về quyền con người, hệ thống các cơ quan và cơ chế nhân quyền LHQ đã được thiết lập nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, hỗ trợ và giám sát các quốc gia trong việc thực thi các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
"Quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, việc tăng cường hợp tác với các cơ quan, cơ chế nhân quyền LHQ không những giúp chúng ta tranh thủ được các cơ hội hợp tác và nguồn lực từ bên ngoài, khai thác được các mặt tích cực trong hoạt động của hệ thống nhân quyền LHQ mà còn giúp chúng ta nắm bắt và chủ động phòng ngừa, hạn chế những mặt tiêu cực, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng các cơ chế nhân quyền LHQ để chống phá Đảng, Nhà nước ta; tăng cường năng lực bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế" - Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về các cơ quan và cơ chế nhân quyền chủ chốt của LHQ; tăng cường nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc hợp tác với các cơ chế này trong công tác đối ngoại hiện nay. Từ đó, trang bị cho các đại biểu những giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên lĩnh vực quyền con người, đồng thời có cơ sở để nghiên cứu, đề xuất phương hướng công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng các cơ quan, cơ chế nhân quyền LHQ chống phá Việt Nam.
Diễn giả TS Lê Xuân Tùng, Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trình bày chuyên đề tại Hội thảo. |
Diễn ra trong 1 ngày, các đại biểu dự Hội thảo đã được nghe báo cáo viên từ Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao); Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp); Vụ Pháp chế (Bộ Công an) trình bày các chuyên đề: Tổng quan về các cơ chế nhân quyền LHQ và sự tham gia của Việt Nam; Vai trò của Văn phòng Cao Uỷ Nhân quyền LHQ trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; Vai trò và hoạt động của Uỷ ban Nhân quyền trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu của Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Khái lược về Công ước Chống tra tấn và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng VPTT Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đã trình bày chuyên đề về “Chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền con người” cập nhật các mục tiêu, định hướng, giải pháp cụ thể và nguyên tắc hội nhập cũng như tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.
Qua đó khẳng định Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng VPTT Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ phát biểu tại Hội thảo. |
Bế mạc Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng VPTT Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đánh giá cao chất lượng các chuyên đề của các diễn giả và phần thảo luận, trao đổi tương tác giữa các đại biểu.
Trên cơ sở nhận thức những khó khăn, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, đặc biệt trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thống nhất một số phương hướng trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp hợp tác với các cơ chế nhân quyền LHQ trong thời gian tới:
Một là, thể hiện thái độ trách nhiệm, tích cực hợp tác, đối thoại với các cơ quan, cơ chế nhân quyền LHQ, chủ động tham gia vào hoạt động của các cơ chế nhân quyền LHQ góp phần vào việc định hình nguyên tắc và các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Hai là tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại về việc Việt Nam thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong hợp tác với các cơ quan, tổ chức nhân quyền quốc tế.
Ba là đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động lợi dụng cơ chế nhân quyền quốc tế chống phá Việt Nam.
Bốn là triển khai và thực hiện có hiệu quả nghĩa vụ quốc gia thành viên các công ước và các cam kết nhân quyền quốc tế; chủ động nâng cao năng lực nhân quyền cho cán bộ và nhân dân; tiếp tục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thi hành và áp dụng pháp luật; khắc phục các tổn tại hạn chế ảnh hưởng đến quyền con người để có thể hạn chế được các hoạt động lợi dụng thông qua các cơ chế nhân quyền LHQ chống phá ta.
Năm là thúc đẩy nghiên cứu lý luận về quyền con người, tăng cường phổ biến, truyên truyền giáo dục quan điểm của Đảng ta về vấn đề quyền con người, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng XHCN về quyền con người.