Năm 2018 xử lý 29 người đứng đầu để xảy tham nhũng
Trong Phiên họp thứ 11, Ủy ban Tư pháp cho ý kiến báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ diễn ra vào chiều 5/9, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Công tác minh bạch tài sản, thu nhập tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập là hơn 1,1 triệu người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai cũng đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. 44 người thuộc diện kê khai đã được xác minh tài sản, thu nhập.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, việc này chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Còn một số trường hợp được xác minh do quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc dư luận, phản ánh của nhân dân, báo chí.
Qua đó, phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm trước), đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 01 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP.Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 02 trường hợp tại Bộ Công Thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP.Hà Nội.
Phó Tổng Thanh tra cũng cho hay, năm 2018 có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Các tỉnh, thành có người đứng đầu bị xử lý gồm: Cần Thơ (2 người); Vĩnh Phúc (1 người); Tiền Giang (1 người); Thái Nguyên (1 người); Tây Ninh (1 người); Quảng Trị (4 người); Quảng Ngãi (1 người); Ninh Bình (1 người); Nghệ An (2 người); Kiên Giang (2 người); Hà Tĩnh (2 người); Gia Lai (2 người); Đồng Tháp (2 người); Điện Biên (5 người); Bình Thuận (1 người); Cà Mau (1 người).
Để công tác PCTN hiệu quả hơn, tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, theo Phó Tổng Thanh tra, năm 2019, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN.
Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý sử dụng đất đai… Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm…Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác PCTN, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN; xem xét, thông qua Luật PCTN sửa đổi…
Đề nghị TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.
Xuân Hoà