Na Uy mở cửa "Hầm Tận thế" mới, thay vì lưu trữ hạt giống thì nơi đây lưu giữ các dữ liệu về văn hóa lịch sử
Thêm một bước chuẩn bị cho ngày tận thế, “Hầm Tận thế” của Na Uy đang được mở rộng thêm. Được biết đến chính thức với tên gọi Kho lưu trữ Thế giới tại Bắc Cực (World Arctic Archive), khu hầm đã được mở cửa trong tuần này và nhận được sự tán thành của hai quốc gia. Lần này, thay vì lưu trữ hạt giống phòng trường hợp ngày tận thế xảy ra, khu hầm sẽ lưu trữ dữ liệu bằng cách sử dụng các thước phim được phát triển đặc biệt.
Được đặt tại quần đảo Svalbard của Na Uy, Kho lưu trữ Thế giới tại Bắc Cực được xây dựng trong “Mỏ 3”, một mỏ than bị bỏ hoang gần với Hầm chứa Hạt giống Toàn cầu. Các quốc gia hiện đang được khuyến khích đóng góp các dữ liệu đặc biệt quan trọng của quốc gia mình vào thư viện này.
Công ty Piql của Na Uy đang tiến hành xử lý các công việc liên quan đến chuyển đổi dữ liệu số thành các thước phim. Công ty tuyên bố rằng nhưng thước phim này sẽ có tuổi thọ kéo dài từ 500 - 1000 năm.
Theo các tài liệu từ Piql, một quốc gia có thể thử nghiệm tải lên các thông tin của họ như các hình ảnh hoặc nội dung nghe nhìn đến các máy chủ của Piql. Các dữ liệu này sau đó sẽ được chuyển thể thành các bộ phim đặc biệt được thiết kế để có thể chống chịu mài mòn và dư hại. Sau đó, chúng được đặt vào hộp bảo vệ và lưu trữ bên trong kho kín. Miễn là internet và các máy chủ vẫn hoạt động, dữ liệu sẽ vẫn có thể được tìm kiếm trực tuyến. Tùy theo yêu cầu, nó có thể được gửi qua email hoặc vận chuyển giao tận tay người sử dụng.
Hiện mới chỉ có Mexico và Brazil ủng hộ và tham gia vào dự án này. Theo tin chính thức từ Piql, Brazil đã tải lên các dữ liệu lịch sử của họ. Còn Mexico đã tải lên các tài liệu quan trọng về thời kỳ Inca.
Các quốc gia khác đã và đang được khuyến khích làm điều tương tự. Vì là một khu phi quân sự, Svalbard chính là địa điểm hoàn hảo để bảo vệ các dữ liệu lưu trữ này. Thêm nữa, vị trí của các kho lưu trữ còn nằm sâu bên trong một căn hầm đông lạnh, giúp mức độ an toàn được tăng lên.
Kho lưu trữ Thế giới tại Bắc Cực cho thấy tầm quan trọng của các tài liệu cũng như văn chương. Mặc dù có khá nhiều tài liệu được lưu trữ lại trong đó có khả năng sẽ là các hướng dẫn chi tiết cách sống sót trong thế giới hậu tận thế, điều mà ông Eric Cardoso từ Cục Lưu trữ Quốc gia Mexico đã nói mới là điều thể hiện tầm quan trọng nhất của nó: “Tôi có được một cảm giác đặc biệt, đó là phải lưu trữ được những ký ức về quốc gia của mình tại Bắc Cực này.” Việc bảo tồn văn hóa, ký ức của quá khứ và hiện tại, cũng quan trọng như việc bảo tồn hạt giống cho nông nghiệp trong tương lai vậy.
Tuy nhiên, xác suất xảy ra tận thế thật ra sẽ là bao giờ? Một nghiên cứu vào năm 2012 đưa ra bằng chứng rằng có 12% nguy cơ một siêu lửa Mặt trời xảy ra vào thập niên tới. Siêu lửa này sẽ tạo ra một Xung Điện từ, dẫn đến hậu quả là một lượng lớn các bức xạ lên Trái đất, hủy hoại mạng lưới điện trên hành tinh này. Điều này có nghĩa là tất cả các phiên bản điện tử của văn học, tài liệu, tất cả các máy tính và thiết bị thường nhật của chúng ta sẽ đột ngột bị vô hiệu hóa. Mặc dù 12% nguy cơ chưa phải là một con số chắc chắn, nhưng chúng ta vẫn nên cẩn tắc vô áy náy và bắt đầu gửi các cuốn sách của bạn đến Na Uy khi còn có thể.
Tham khảo Gizmodo
Nguyễn Tuấn Tài