Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump nói rằng thỏa thuận sẽ làm suy yếu nền kinh tế, cắt giảm việc làm, gây tổn hại tới chủ quyền quốc gia Mỹ và đẩy đất nước này vào thế bất lợi đối với các quốc gia khác trên thế giới. "Chúng tôi không muốn bị các nhà lãnh đạo và những quốc gia khác chê cười" - ông Trump nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm: "Các quốc gia yêu cầu chúng tôi duy trì thỏa thuận này đều là những nước kiếm được hàng tỷ USD thông qua hoạt động thương mại khó khăn với Mỹ và trong nhiều trường hợp, họ chỉ đóng góp chút ít cho liên minh quân sự quan trọng của chúng ta".
Phát biểu ngày 1/6, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định chính quyền nước này sẽ bắt đầu đàm phán để rút khỏi thỏa thuận hoặc tìm kiếm một thỏa thuận mới "với các điều khoản công bằng hơn cho đất nước, doanh nghiệp, công nhân, người dân, người đóng thuế Mỹ". Đồng thời, ông cũng phàn nàn về các điều khoản được áp dụng cho Trung Quốc theo Thỏa thuận Paris.
"Chúng tôi đang từ bỏ (thỏa thuận). Tôi được bầu làm đại diện cho công dân của Pittsburgh, chứ không phải Paris" - ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng. Theo một quan chức Mỹ, thành phố Pittsburgh trước nay vẫn được coi là trung tâm của ngành công nghiệp thép của Mỹ và người dân ở đây thực sự không muốn theo đuổi Thỏa thuận Paris.
Ông Trump phát biểu trước đông đảo quan khách tại Nhà Trắng hôm 1/6. (Ảnh: Reuters)
Mặt khác, ông Trump nói rằng Mỹ sẽ ngừng các khoản thanh toán cho Quỹ Khí hậu xanh của Liên Hợp Quốc (LHQ). Quỹ này bao gồm cam kết hàng tỷ USD của nhiều quốc gia, với mục tiêu trợ giúp các nước đang phát triển ứng phó với lũ lụt, hạn hán và những tác động khác do biến đổi khí hậu.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết sẽ đảm bảo các thủ tục cần thiết để rút khỏi Thỏa thuận Paris. Theo quy định, Mỹ sẽ phải chờ đợi 3 năm kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực pháp lý, ngày 4/11/2016, trước khi chính thức đề xuất rút lui. Sau đó, quá trình hoàn tất các thủ tục sẽ kéo dài khoảng 1 năm.
Với quyết định của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ từ chối tham gia cùng với gần như tất cả các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực giải quyết một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu của thế kỷ 21. Trước đó, chỉ có Syria và Nicaragua là 2 nước không tham gia thỏa thuận.
Thỏa thuận Paris được ký kết tháng 12/2015, với sự tham gia của 195 quốc gia, trong đó có Mỹ. Theo thỏa thuận, cộng đồng quốc tế sẽ cam kết giảm phát thải khí nhà kính, sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, vốn bị giới khoa học coi là nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Hồng Anh