Mỹ khó có thể rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu?
Tuyên bố chung sẽ được công bố vào ngày 2/6, sau một cuộc họp thượng đỉnh tại Thủ đô Brussels (Bỉ). Theo BBC, văn kiện này là thành quả hợp tác của các quan chức Trung Quốc và EU trong suốt hơn 1 năm qua.
Tuyên bố nhấn mạnh mối nguy do nhiệt độ tăng cao "giống như vấn đề an ninh quốc gia và là yếu tố có thể gây ra sự bất ổn về chính trị - xã hội", trong khi chỉ ra rằng việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"EU và Trung Quốc coi Thỏa thuận Paris là một thành tựu lịch sử, còn hơn cả việc thúc đẩy giảm thiểu phát thải khí nhà kính và phát triển khả năng chống lại biến đổi khí hậu" - dự thảo văn kiện nêu rõ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Cả 2 bên đều cho biết sẽ tăng cường hành động và "thúc đẩy các chính sách, biện pháp" nhằm thực hiện kế hoạch cắt giảm khí thải carbon. Đáng chú ý là EU và Trung Quốc nhất trí sẽ phác thảo chiến lược giảm khí thải carbon trong dài hạn vào năm 2020.
Theo dự thảo văn kiện, 2 bên cũng sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời, Trung Quốc và EU sẽ phối hợp trong việc dán nhãn năng lượng, áp dụng tiêu chuẩn năng lượng và tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho các công trình.
Ủy viên về vấn đề khí hậu của EU, ông Miguel Arias Cañete, cho hay: "EU và Trung Quốc đang hợp sức để thúc đẩy việc thực thi Thỏa thuận Paris và quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trên toàn cầu... EU và Trung Quốc đã quyết định tiến lên phía trước".
Tuyên bố chung của Trung Quốc và EU được coi như sự phủ nhận đối với ý định rút lui khỏi Thỏa thuận Paris của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump cho rằng sự nóng lên toàn cầu là "trò bịp" nhằm làm suy yếu nền công nghiệp Mỹ.
Các nhà hoạt động vì môi trường xếp hình kêu gọi ngăn chặn biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, theo thỏa thuận, một quốc gia buộc phải thực thi thỏa thuận trong vòng 3 năm kể từ khi nó có hiệu lực vào tháng 11/2016, rồi sau đó mới được bắt đầu tiến trình rút lui, dự tính kéo dài 1 năm. Điều này cũng có nghĩa: Mỹ chỉ có thể hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận vào năm 2020.
"Người Mỹ không thể rút lui khỏi thỏa thuận bảo vệ khí hậu. Ông Trump tin vào ý định của mình vì ông ấy không biết chi tiết" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker phát biểu, nhấn mạnh rằng tiến trình rút lui sẽ kéo dài nhiều năm.
Thỏa thuận Paris năm 2015 là hiệp định toàn cầu đầu tiên nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Hầu hết các quốc gia đều tự nguyện cam kết thực hiện các bước nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính - nguyên nhân làm dâng mực nước biển, hạn hán và những cơn siêu bão.
Cho đến nay, đã có 147/197 quốc gia phê chuẩn thỏa thuận, bao gồm cả Mỹ. Nước này cam kết cắt giảm lượng khí thải từ 26-28% vào năm 2025, so với mức tương ứng năm 2005.
Trọng Sang