Mùa thu đông, nhiều dịch bệnh dễ bùng phát
Chiều 27/9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó với tình hình dịch bệnh sắp tới với sự tham gia của những địa phương đang được coi là điểm nóng gồm TP HCM, Khánh Hòa, Tây Nguyên.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, trên thế giới nhiều loại bệnh truyền nhiễm như Zika, sốt xuất huyết,... đang diễn biến phức tạp. Trong đó, dịch Zika đã lây lan mạnh trên phạm vi 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp
Tại khu vực Đông Nam Á, dịch đã khiến 342 người dân Singgapore và 200 người dân Thái Lan mắc bệnh. Việt Nam cũng đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính với vi rút Zika.
Cùng với Zika, sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại những khu vực thuộc Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Châu Mỹ La Tinh. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước ghi nhận 72.372 trường hợp phải nhập viện điều trị vì sốt xuất huyết. Dịch bệnh đang lưu hành trên diện rộng tại 10 tỉnh thuộc khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và khu vực các tỉnh Nam B
Cùng với sốt xuất huyết, Việt Nam đang là quốc gia có số ca mắc tay chân miệng còn tương đối cao; cùng với đó là bệnh bạch hầu, cúm mùa, cúm gia cầm, sốt rét... Đặc biệt là các bệnh cúm như A/H1N1; H3N2 cùng các loại cúm xảy ra trên gia cầm như H5N1 đe dọa bùng phát dịch cao vào thời điểm cuối năm, nguy cơ lây sang người.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý cúm A/H1N1 gia tăng khi các tỉnh miền Bắc chuẩn bị vào mùa thu đông. H1N1 được xếp vào cúm thường nhưng có thể dẫn đến tử vong nếu chủ quan. Ngoài ra còn các loại cúm gia cầm H5N1, H7N9 cũng dễ bùng phát. Bệnh sốt rét hiện không chỉ tập trung ở khu vực Tây Nguyên, miền núi mà ở vùng đồng bằng như Khánh Hòa cũng ghi nhận 100 ca bệnh, trong đó, đáng lo ngại là sốt rét kháng thuốc.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch, ông Phu khẳng định, nếu không có giải pháp phòng và dập dịch kịp thời, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vào cuối năm là rất cao.
Trước tình hình trên, Cục Y tế Dự phòng cho biết đã triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng chống dịch, chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch.
Phòng chống dịch là việc rất quan trọng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Mặc dù kinh phí phòng chống dịch bị cắt giảm nhưng thời gian qua Chính phủ đã ưu tiên cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Những nỗ lực đàm phán với các nước của Bộ Y tế đã giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Ngoài việc yêu cầu hệ thống y tế dự phòng và điều trị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, Bộ trưởng yêu cầu các Vụ - Cục liên quan cần có những phân tích, đánh giá và nghiên cứu cụ thể tình trạng kháng kháng sinh xảy ra đối với bệnh sốt rét; tăng cường các biện pháp phòng chống những loại bệnh ngoại nhập như Zika, sốt rét... có thể tràn vào Việt Nam qua đường bộ, dường thủy và đường hàng không; tập trung phòng chống các bệnh cúm mùa và cúm gia cầm thường xảy ra vào cuối năm.
Bộ trưởng Kim Tiến cũng yêu cầu các đơn vị liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh đang xảy ra tại các địa phương cả về nhân sự, phương tiện, thiết bị phục vụ chuyên môn và vật tư hóa chất,... Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải thực hiện tốt công tác dự phòng, phát hiện, điều trị đáp ứng dịch, giảm nguy cơ tử vong, giảm tỷ lệ lây nhiễm, giảm số ca mắc để bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Hà Linh