Mưa lũ diễn biến phức tạp, người dân Chương Mỹ khốn khổ chống chọi cảnh ngập lụt
Khốn khổ người dân Chương Mỹ nỗ lực bảo vệ đê
Mực nước đê sông Tích, sông Bùi qua địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, thậm chí có điểm đê xung yếu có thể gây vỡ đê tả Bùi.
Nước đã tràn vào 2.349 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó các thôn, xóm, khu dân cư bị ngập sâu là Bùi Xá - Thị trấn Xuân Mai; Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn - xã Nam Phương Tiến… Các thôn Yên Trình, Thuận Lương - xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập.
Ngập úng diện rộng tại các thôn, xã huyện Chương Mỹ.
Thuyền là phương tiện di chuyển chính của người dân Chương Mỹ những ngày qua. Ảnh: Baotintuc.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết đến thời điểm này, mực nước sông Bùi đã ổn định, đến sáng nay (31/7) mực nước là 7,42m, xuống được 10cm nước, tuy nhiên nước xuống rất chậm.
Theo ông Chu Phú Mỹ, từ ngày 17-21/7 trên địa bàn thành phố Hà Nội có lượng mưa xấp xỉ 300 mm/giờ, mưa trong điều kiện bất lợi do lúa vừa hoàn thành cấy. Lượng mưa lớn nên ở Lương Sơn, Kim Bôi nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, tràn toàn bộ hệ thống đê Bùi, một phần đê Tả Tích, đê bao sông Tích cũng bị tràn.
Trước tình hình đó, Ủy ban Phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với huyện Chương Mỹ tập trung xử lý không để thiệt hại lớn, di dời dân, cơ sở sản xuất, chăn nuôi...
Một đoạn đê ở Chương Mỹ được chặn bao cát. Ảnh: TTXVN.
Lực lượng chức năng túc trực 24/24 kiểm tra mực nước huyện Chương Mỹ. Ảnh: TTXVN.
Hàng trăm người túc trực chặn bao cát và kiểm tra mực nước. Ảnh: TTXVN.
Tuy nhiên, vào cuối tháng Bảy, khu vực Hà Nội tiếp tục có đợt mưa lớn, mực nước sông Bùi, sông Tích dâng cao. Mực nước đã cao hơn năm 2008 (cao nhất ngày 30/7 tại sông Bùi là 7,52m, cao hơn báo động số 3 là 1m) và mực nước tràn qua đê tả Bùi, tả Tích.
Trước tình hình cấp bách, đêm 30/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cung cấp đủ 10.000 bao cát để 500 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thủ đô đắp đê chống tràn ở đê tả Bùi.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục khảo sát toàn bộ đê Hữu Bùi, Hữu Tích và đê bao thuộc các xã của huyện Quốc Oai, Thạch Thất. Nếu nước tiếp tục lên cao, cần thiết Sở sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê tả Tích, tả Bùi không để ngập lụt vào nội đô cũng như cứu trợ đảm bảo cuộc sống người dân.
Nhiều trẻ em bơi lội qua ngày giữa tình trạng ngập lụt. Ảnh: Zing.
Hỗ trợ người dân Yên Bái vượt khó khăn sau mưa lũ
Sau đợt mưa lũ, nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái, đặc biệt là vùng tâm lũ huyện Văn Chấn, đã chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Nhằm kịp thời động viên, giúp đỡ và chia sẻ với người dân vùng lũ, nhiều ngày qua, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng với các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu để người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống.
Theo ông Nông Văn Lịnh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái, tính đến 15 giờ ngày 30/7, Yên Bái đã có 95 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ gần 7,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Yên Bái còn được hỗ trợ hàng chục tấn gạo, nhiều máy bơm nước và các nhu yếu phẩm khác.
Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã phát động ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ.
Tìm giải pháp chống ngập lụt QL 18A, đoạn nối Hạ Long-Cẩm Phả
Từ nhiều năm qua, khu vực đèo Bụt thuộc địa phận thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) trở thành điểm ngập lụt lớn nhất chia cắt Quốc lộ 18A, chia cắt TP.Hạ Long và Cẩm Phả mỗi khi có mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Quốc lộ 18A đoạn qua Cẩm Phả hiện bị tắc nghẽn cả hai chiều. Ảnh: TTXVN.
Cụ thể, hồi tháng 7/2015 và tháng 7/2018, Quốc lộ 18A bị chia cắt từ 2-5 ngày bởi khu vực này bị ngập lụt sâu từ 1,5-2 m, dài khoảng 500 m do mưa lớn kéo dài.
Để khắc phục sự cố tạm thời, chính quyền địa phương đã huy động các máy bơm công suất lớn từ 300-500 m3/giờ.
Thực tế, trong quá trình thi công một số dự án đã tác động vào cửa hang Luồn (phường Hà Phong, TP.Hạ Long), làm hẹp cửa hang khiến khả năng thoát nước mặt của khu vực đèo Bụt ra biển bị hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Vũ Văn Diện yêu cầu, TP.Hạ Long có trách nhiệm hoàn nguyên môi trường, trả lại hiện trạng thoát nước qua các hang núi trên địa bàn. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các tuyến mương thoát nước và hồ điều hòa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cũng yêu cầu: Đối với hộ dân thuộc diện phải di dời, bố trí tái định cư, thành phố Hạ Long khẩn trương bổ sung vào đề án di dân cấp bách của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, làm việc với các đơn vị sử dụng đất trong khu vực để thông báo hết thời hạn giao đất, yêu cầu đơn vị khẩn trương di dời tài sản đang tập kết phục vụ thi công dự án thoát nước trên. Toàn bộ việc di dân và nạo vét hệ thống thoát nước phải hoàn thành xong trong tháng 8/2018.
N.H(t/h)