MSB phải vượt nhiều thách thức để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm
Hình minh họa.
Theo báo cáo tài chính quý III/2024 vừa được MSB công bố, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 4.901 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi có sự tăng trưởng nhẹ, nhưng sự sụt giảm đáng kể ở các mảng phi tín dụng, chi phí hoạt động gia tăng và áp lực dự phòng rủi ro tín dụng đã làm giảm đáng kể hiệu quả kinh doanh tổng thể của ngân hàng.
Áp lực từ nhiều phía
Trong 9 tháng đầu năm 2024, mảng tín dụng tiếp tục đóng vai trò trụ cột khi mang lại 7.104 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của ngân hàng, nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi dần trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm mạnh ở các mảng phi tín dụng.
Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 1.040 tỷ đồng, giảm sâu 20,9% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh áp lực cạnh tranh trong các dịch vụ tài chính như thanh toán, bảo hiểm và quản lý tài sản.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 18%, một phần do biến động tỷ giá và thị trường ngoại hối. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh tiếp tục ghi nhận thua lỗ gần 300 triệu đồng, trong khi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh tới 33,5%, cho thấy sự khó khăn trong việc tối ưu hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường biến động khó lường.
Dù vậy, một điểm tích cực là khoản lãi thuần từ hoạt động khác của MSB tăng đột biến, gấp 4,2 lần cùng kỳ, đóng góp quan trọng giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng nhẹ 4,1%, đạt 9.964 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ để bù đắp áp lực từ chi phí. Chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 10,4%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 30,6%, lên tới 2.317 tỷ đồng, đã trực tiếp kéo lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ.
Với khoản lợi nhuận 4.901 tỷ đồng tỷ đồng đạt được sau 9 tháng, MSB đã hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024 (6.800 tỷ đồng).
Thách thức từ dòng tiền và chất lượng tài sản
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất quý III/2024 cho thấy những tín hiệu đáng chú ý về dòng tiền của MSB.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 5.363 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 15.332 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng ghi nhận âm 61 tỷ đồng. Tổng dòng tiền thuần đến cuối quý III/2024 âm tới 5.424 tỷ đồng, trái ngược với mức dương 15.319 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Chất lượng tài sản của MSB cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Đến cuối tháng 9/2024, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng đã tăng lên 4.912 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 66,4% so với đầu năm và chiếm 61,2% tổng nợ xấu. Điều này đặt áp lực lớn lên công tác thu hồi nợ của ngân hàng.
Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng tăng mạnh 24,1% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 1,92% trong tổng dư nợ, báo hiệu rủi ro tiềm ẩn từ các khoản vay có khả năng chuyển thành nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của MSB ở mức cao 2,88%. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại ở mức khá thấp, chỉ đạt 63%.
Giai đoạn cuối năm sẽ là thời điểm quan trọng để ngân hàng tăng tốc, tập trung vào cải thiện chất lượng tài sản và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Với những nỗ lực điều chỉnh chiến lược và tận dụng cơ hội từ thị trường, MSB hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức hiện tại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong năm tới.