Một người Việt cảm mến đất nước thiên lý mã
Nợ ân tình khó phai
Chúng tôi đến nhà ông Trịnh Tuấn Tòng trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) khi cả Hà Nội đang háo hức chờ đợi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Căn phòng của ông mấy ngày nay cũng ấm lên rõ rệt khi hàng chục cuộc điện thoại hỏi han, chia sẻ, kì vọng vào kết quả tốt đẹp của Hội nghị này.
Trong nhà, từ phòng làm việc, phòng ngủ, bàn tiếp khách, hàng trăm tấm ảnh, hàng chục bài báo từ mấy chục năm trước cũng được mang ra để ôn lại.
Ông Tòng bồi hồi như một người Triều Tiên: Tôi nợ Triều Tiên, nơi đã cưu mang tôi 7 năm đèn sách, nơi tôi được chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh mãn tính về mũi, nơi đã truyền vào tôi tư tưởng tự thân lập nghiệp. Những năm tháng ở Triều Tiên đã cho tôi những thành công của ngày hôm nay.
Ông Tòng sắp xếp lại những bức ảnh kỷ niệm gắn liền với Triều Tiên của mình
Tháng 6/1965, ông Trịnh Tuấn Tòng được Nhà nước cử sang Triều Tiên học chuyên ngành Điện khí hoá xí nghiệp, đề tài khoa học là ứng dụng sóng cao tần để chống nhiễu máy bay. Ngay khi nhận được thông báo này, chàng trai trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) khi ấy đã vượt hàng trăm cây số ra Hà Nội tập trung để lên đường dù chuyến đi ấy như một cuộc sinh tử bởi đạn pháo của giặc.
Sau khi đến Hà Nội, ông được học chính trị 2 ngày tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội về nhiệm vụ của học sinh – sinh viên khi sang nước ngoài học. Sau đó đi tàu từ Hà Nội sang Bắc Kinh, ở khách sạn Bắc Vĩ 3 ngày rồi tiếp tục đi tàu hoả đến Triều Tiên.
19 tuổi, lần đầu tiên rời khỏi quê là đặt chân sang một đất nước xa xôi, ông tưởng sẽ thật khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ những giây phút đầu tiên tới đất nước mà ông ấn tượng “đường phố sạch đẹp, con người thì vô cùng thân thiện” thì ông Tòng đã thấy không còn trở ngại. Ông được thầy cô sắp xếp chỗ ăn nghỉ, hỏi han, lo chu toàn mọi việc.
Ông Tòng chia sẻ: “Hồi ở quê nhà, bữa đói bữa no, sáng chỉ được củ khoai ăn lót dạ thì sang Triều Tiên tôi rất hợp với cơm Triều Tiên. Canh rong biển cũng gần giống canh mồng tơi, canh kim chi thì giống canh dưa nấu với thịt, cá. Ăn cơm thì ăn bao nhiêu cũng được. Mọi việc không có khó khăn gì, chỉ chuyên tâm vào việc học. Ngoài ra, mỗi tháng còn được thêm tiền tiêu vặt 15000 KPW (tiền Triều Tiên).
Kỷ niệm khó phai
Theo ông Trịnh Tuấn Tòng, kỉ niệm mà ông nhớ nhất trong những năm ở Triều Tiên mà giờ ông vẫn mang nặng trong lòng, coi đây là ơn khó trả, đó là việc các bác sĩ Triều Tiên đã giúp ông chữa khỏi căn bệnh về mũi.
Ông Tòng kể: “Hồi sang Triều Tiên, những lúc có thời gian rảnh những lưu học sinh như chúng tôi thường đi trượt tuyết. Những lúc đó, tôi thường bị chảy nước mũi không ngừng. Tôi chủ quan nghĩ đó chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng bác sĩ tại trường đã quan sát tôi rất kĩ. Ông nghĩ tôi bị cảm nên cho uống thuốc nhưng không khỏi. Bác sĩ chẩn đoán mũi tôi có vấn đề. Sau đó họ cho đi khám tại bệnh viện, phát hiện tôi bị hỏng vách ngăn ở mũi và nhà trường đã cho tôi mổ tại Bệnh viện Hồng Thập Tự. Họ bỏ vách ngăn cũ và thay vách ngăn giả. Lần mổ ấy, tôi được 1 bác sĩ Triều Tiên từng học tại Nga mổ. Đến bây giờ, gần 50 năm rồi nhưng mũi tôi vẫn không có dấu hiệu nào bất ổn. Tôi vô cùng biết ơn những bác sĩ của Triều Tiên.
Hội hữu nghị Việt - Triều trao tặng tivi và trang thiết bị học tập cho Trường mẫu giáo Triều Tiên - Việt Nam
Trong thời học tập tại Triều Tiên, các lưu học sinh Việt Nam cũng được Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm nhân dịp Tết nguyên đán. “Mỗi lần đến, Bác Kim Nhật Thành tặng táo cho sinh viên nam, tặng khăn bông bay cho sinh viên nữ. Lần nào, chúng tôi cũng được lại gần bác, đứa ôm tay, đứa ôm chân, xích lại thật gần nhau để đứa nào cũng được chạm vào bác. Khi nhận những tình cảm ấy từ lưu học sinh Việt Nam, bác nhìn rất trìu mến, thân tình, giống như người cha, không hề có khoảng cách phân biệt người nước ngoài hay lãnh tụ”, ông Tòng chia sẻ.
“Bác hỏi chuyện sinh viên cũng rất thân tình, những câu hỏi rất đời thường, cụ thể như: “ăn cơm có ngon không?”, “ngủ như thế nào?”, “đi học bằng xe bus ra sao?”... Bác còn căn dặn “Bây giờ sang đây học, phải học nghiêm túc để về làm được việc, để xây dựng Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như lời Bác Hồ dạy”, ông Tòng nhấn mạnh thêm.
Sau khi về Việt Nam, ông Trịnh Tuấn Tòng công tác tại Bộ Công nghiệp, sau đó chuyển sang Bộ Kinh tế đối ngoại (Bộ Ngoại thương). Trong suốt thời gian đó, ông Tòng luôn quan tâm, hỗ trợ tới các hoạt động liên quan tới Triều Tiên. Trong một chuyến thăm gần đây, ông đã ủng hộ Hội Chữ thập đỏ Triều Tiên 1.000 USD và trao tặng 50 triệu Việt Nam đồng cho Quỹ Kim Nhật Thành, Kim Jong Il và cho Trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành.
Hội thảo quốc tế về 70 năm ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành (ngày 29-30/9/2016)
Nói về Triều Tiên trước bối cảnh mới, cơ hội lịch sử mới, ông Tòng cho biết: “Tôi thấy điều lớn nhất tôi có được từ những năm tháng học tại Triều Tiên là ý chí của con người Triều Tiên. Là tính kỷ luật và phong cách làm việc của người Triều Tiên - minh bạch, rõ ràng, cương quyết. Đó là tư tưởng “CHUSHE SASANG” – Tư tưởng chủ thể, nghĩa là đừng thấy khó khăn mà từ bỏ, đừng thấy người khác xúi giục mà làm những điều không đúng. Thứ 2 là tư tưởng “CHARUOC KENG SENG” – Tự lực cánh sinh, không trông chờ vào ai cả. Tôi nghĩ rằng, Thiên lý mã của Triều Tiên sắp tới cũng sẽ ngang như con Sư tử Merlion - biểu tượng của Singapore và như Kangaroo của Australia. Họ sẵn sàng bắt tay với các nước khác, đa phương hoá, đa dạng hoá để phát triển đất nước.
Hưng Linh