Mối nguy hại ẩn giấu trong tủ thuốc gia đình: Nhiều thứ rất quen thuộc nhưng dùng sai một ly có thể đe dọa đến cả tính mạng
1. Các loại vitamin không cần đơn của bác sĩ
Hầu hết các loại vitamin mua tự do đều tốt khi chúng ta sử dụng đúng theo hướng dẫn. Nhưng việc tăng cường liều lượng vitamin để chống lại 1 căn bệnh có thể gây nguy hiểm. Tiến sĩ Bentley cảnh báo: "Hầu hết các vitamin được bài tiết trong nước tiểu, nhưng vitamin A, D, E và K được lưu trữ trong mỡ của cơ thể. Khi được nạp quá nhiều, một số vitamin được lưu trữ trong tế bào mỡ của cơ thể và gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe".
Ví dụ, bổ sung vitamin D là điều cần thiết cho cơ thể. Nhưng nếu bạn tăng liều lượng với mục đích cải thiện hiệu quả trị bệnh khi bị đau nhức, thường xuyên mất ngủ, tâm trạng xấu thì không tốt cho sức khỏe. Theo Mayo Clinic, nạp 50.000 IU vitamin D mỗi ngày, liên tục trong vài tháng liền có thể gây ngộ độc.
Ngộ độc vitamin D làm tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên. Canxi máu cao có thể gây vôi hóa mạch máu và mô, làm tổn thương tim, các mạch máu và thận. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung cả canxi (1.000 mg/ngày) và vitamin D (400 IU) ở phụ nữ tiền mãn kinh làm tăng 17% nguy cơ sỏi thận trong vòng 7 năm.
2. Bông ngoáy tai
Kể từ những năm 1920, bông ngoáy tai đã trở nên phổ biến đối với mọi người. Nó được sử dụng như một công cụ để tẩy trang, làm sạch vết thương và lấy ráy tai. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, bông ngoáy tai là thủ phạm khiến 1.000 đứa trẻ ở Mỹ phải tới phòng cấp cứu mỗi tháng.
Sử dụng bông ngoáy tai không đúng cách có thể gây ra những tổn thương như thủng màng nhĩ, nhiễm trùng tai, thậm chí tổn thương thính giác vĩnh viễn. Thực tế, tai có cơ chế tự làm sạch, đẩy ráy tai và bụi bẩn ra ngoài một cách tự nhiên. Vì thế bạn không cần tốn công làm sạch tai mà lại tăng nguy cơ bị tổn hại sức khỏe cho chính mình nữa.
3. Nước súc miệng
Những hương vị như trà xanh, bạc hà của nước súc miệng có thể hấp dẫn những đứa trẻ, khiến chúng nuốt nước súc miệng khi không có sự kiểm soát của người lớn. Theo chuyên gia y tế, nước súc miệng thường chưa ethanol, có thể gây độc cho trẻ em và khiến hạ đường huyết. Là một sản phẩm để vệ sinh răng miệng, nước súc miệng thường chứa tối đa 22% cồn để đảm bảo tác dụng làm sạch. Uống nước súc miệng có thể khiến cho trẻ bị choáng váng, khó chịu, rối loạn tiêu hóa.
4. Thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giảm ợ nóng
Khi ăn các thực phẩm gây ợ nóng, bạn tìm đến các loại thuốc hỗ trợ, làm giảm ở nóng. Đây cũng là các loại thuốc có thể sử dụng không theo đơn của bác sĩ, tuy nhiên, nếu lạm dụng chúng cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Các chất làm giảm axit dạ dày như omeprazolem esomeprazole, pantoprazole có trong các loại thuốc điều trị chứng ợ nóng phổ biến đều thay đổi hoàn toàn vi khuẩn đường ruột, không chỉ khiến dạ dày ngừng sản xuất axit mà còn làm tê liệt năng lượng các bào quan của cơ thể", theo chuyên gia tim mạch, giám đốc Trung tâm phục hồi y học Palms Springs Steven Gundry cho biết.
Việc ngừng sản xuất axit dạ dày và năng lượng cho các tế bào có thể dẫn đến sự tích tụ các chất thải. Theo Tiến sỹ Gundry, người dùng thuốc giảm axit dạ dày thường xuyên, trong thời gian dài tăng nguy cơ mất trí nhớ lên tới 40%. Không những vậy, các loại thuốc này có liên quan đến bệnh thận và tăng nguy cơ đau tim.
5. Thuốc chống cúm
Hầu hết các loại thuốc chống cúm đều trong nhóm thuốc chống viêm không steroid hoặc NSAIDS. Nhưng các bằng chứng khoa học cho thấy, những loại thuốc này có thể là một "quả bom nổ chậm" đối với sức khỏe.
Theo Tiến sỹ Gundry, các loại thuốc này có thể gây ra những lỗ hổng trong ruột, cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu, từ đó di chuyển, gây viêm và tấn công các động mạch của tim và não.
Khi uống quá nhiều thuốc cảm cúm, người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi. Trong vòng 18 - 72 giờ có thể đau bụng kèm theo gan sưng to, sờ thấy gan đau. Nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến suy gan. Người bị suy gan sẽ bị vàng da, hôn mê, đông máu nội mạch rải rác, chảy máu, hạ đường huyết, dẫn tới tử vong.
6. Thuốc giảm cân
Ngày nay, lối sống hiện đại khiến nhiều người bị thừa cân, béo phì và nhu cầu giảm cân của họ ngày càng tăng. Nhưng thay vì luyện tập, thực hiện lối sống khoa học, họ lại muốn giảm cân nhanh chóng bằng các loại thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân.
Một số tác dụng phụ khó chịu mà các loại thuốc giảm cân có thể gây ra là nhịp tim không đều, tăng huyết áp, thèm ăn... Một số thành phần của thuốc giảm cân nằm trong danh sách những chất có thể gây nguy hiểm cho những người có bệnh trạng nhất định.
Minh An