Mọi hoạt động tại Trường Sa nếu không được Việt Nam cho phép đều là bất hợp pháp
Chiều 8/7, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định chủ quyền và các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trước thông tin Trung Quốc chuẩn bị đưa tàu nghiên cứu lớn nhất của nước này xuống quần đảo Hoàng Sa, bà Thu Hằng nhấn mạnh hành động này là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam - Ảnh tư liệu TTO |
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982", bà Thu Hằng nêu quan điểm trong cuộc họp báo ngày 8-7.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Mọi hoạt động thăm dò khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị”.
Trước đó, ngày 6/7, báo South China Morning Post (SCMP) loan tin tàu nghiên cứu mang tên Tôn Trung Sơn thuộc đại học cùng tên sẽ được triển khai tới Biển Đông.
Đây là tàu nghiên cứu lớn nhất và mới nhất do Nhà máy đóng tàu Giang Nam - nơi đang đóng tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc - chế tạo.
Yu Weidong, giáo sư thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, tiết lộ con tàu sẽ được đưa tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 10 tới. Theo vị này, các lĩnh vực nghiên cứu gồm "khí quyển đại dương, đáy biển, sinh vật biển" và đáng chú ý nhất là "khảo cổ học".
Báo SCMP nhận định việc Trung Quốc đưa tàu nghiên cứu Tôn Trung Sơn xuống Biển Đông nhằm thúc đẩy "việc khảo sát và thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên".
Tàu Tôn Trung Sơn có một sàn đáp trực thăng và các phòng thí nghiệm cố định lẫn dã chiến - Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Cũng trong buổi họp báo trực tuyến, trả lời câu hỏi về sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận, tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lực lượng vũ trang. Những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Đảm nhiệm nhiều vị trí, cương vị công tác khác nhau, thời gian qua, lực lượng nữ Cảnh sát Biển Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc 300 tàu Trung Quốc xuất hiện gần Trường Sa Chiều 13.5, Người phát phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm trước thông tin Trung Quốc tiếp tục điều thêm tàu đến đá Ba Đầu, nâng tổng số tàu hoạt động tại khu vực này lên gần 300 chiếc. |
Những mầm xanh trên đảo Trường Sa Ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô và đất (mang từ đất liền ra) nên khả năng giữ nước của cây xanh rất hạn chế. |
Gần 30 tàu Trung Quốc hiện diện trái phép quanh đá Ba Đầu Báo Philippine Daily Inquirer ngày 11/4 đăng tin hiện có 28 tàu Trung Quốc hiện diện trái phép xung quanh đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |