Mô hình trường học mới (VNEN): Nhiều địa phương dừng triển khai
Đột ngột dừng triển khai
Từ năm học 2011 - 2012, Bộ GD&ĐT đã triển khai VNEN đối với cấp tiểu học. Năm học 2015 - 2016, có trên 3.700 trường tiểu học triển khai áp dụng mô hình này; hơn 1600 trường THCS đăng ký tham gia triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6. Năm học 2017 - 2018, số lượng đăng ký triển khai VNEN ở tiểu học tăng lên 4.800 trường tại 58 tỉnh, TP với tỷ lệ 18% HS tham gia; cấp THCS có 1.500 trường trên 51 tỉnh, thành tham gia VNEN trong năm học mới, tỷ lệ HS là 13%... Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đột ngột dừng triển khai VNEN như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh,… Cuối tháng 7 vừa qua, sau khi có kết luận về việc triển khai mô hình VNEN năm học 2016 – 2017, nhiều tỉnh quyết định tạm dừng triển khai đại trà mô hình này trong năm học 2017 - 2018.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện, Hà Nội có 114 trường tiểu học đã triển khai toàn phần VNEN, ngoài ra, còn có hàng trăm trường tiểu học vẫn áp dụng từng phần của VNEN theo điều kiện thực tế. Với cấp THCS, Hà Nội mới có khoảng 10 trường đã tham gia thử nghiệm mô hình mới từ các năm học trước. Tuy nhiên đến thời điểm này, năm học 2017 – 2018, Hà Nội chưa có thêm trường nào đăng ký triển khai mô hình này.
Không ít bất cập
Thực hiện mô hình VNEN, không ít ý kiến cho rằng, mô hình có hay đến mấy nhưng tính khả thi thấp cũng không mang lại giá trị bởi nó chưa phù hợp với điều kiện thực hiện ở nhiều trường của Việt Nam hiện nay.
Một giáo viên tiểu học trực tiếp đứng lớp VNEN trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho rằng, học VNEN có nhiều tiến bộ, giúp HS hứng thú học tập và đỡ khô khan hơn. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện lại xảy ra một số điểm bất ổn. “Mô hình, cách học khá hay, nhưng không ít bất cập. Lớp đông HS, 45 thậm chí trên 50 HS, đối tượng, năng lực HS không đều nhau, có HS nắm bắt bài nhanh, có em chậm, thậm chí có cả HS tăng động... giáo viên không đủ thời gian để hướng dẫn nên nhiều HS yếu không theo kịp. Điểm bất cập nữa, học phải xuyên suốt từ cấp 1 đến cấp 3, không thể học nửa vời, giáo viên cũng phải dạy xuyên suốt... Đây là những bất ổn, không hợp lý”- giáo viên này phân tích.
Lớp học theo mô hình VNEN tại trường Tiểu học Nhật Tân (quận Tây Hồ). (Ảnh: Quý Trung)
Ngoài ra, theo một số giáo viên khác, giáo trình của chương trình giáo dục này còn chưa khoa học. Nội dung trong sách được thiết kế sẵn, HS chỉ cần đọc và bắt chước một cách máy móc nên gây nhàm chán, có thể thuộc lòng nhưng không hiểu... Chính những hạn chế trên khiến khá nhiều tỉnh, TP dừng triển khai mô hình VNEN.
Trước hàng loạt ý kiến trái chiều ở các địa phương, mới đây (4/8), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sĩ số HS cho phù hợp với phương pháp mới... “Năm học 2017 – 2018, các Sở GD&ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN. Không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo mô hình này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo.
Có thể nói, mô hình trường học mới VNEN ở tiểu học đã tiếp cận khá tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục và bước đầu khắc phục được những hạn chế của mô hình giáo dục truyền thống. Đó là, không dạy học đồng loạt mà dạy học hướng đến sự phù hợp và phát triển năng lực của từng HS... Tuy nhiên, sự bất cập với điều kiện đặc thù về giáo dục, kinh tế, văn hóa, thổ nhưỡng vùng miền đã khiến việc triển khai VNEN gặp trở ngại. Việc một số địa phương như Hà Giang, Hà Tĩnh, Vũng Tàu... có chủ trương dừng triển khai mô hình này là điều mà các ngành, các cấp liên quan cần hết sức quan tâm, nghiên cứu và có giải pháp phù hợp.
Theo Kinh tế đô thị