Mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện chỉ có 36% doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%. Nguyên nhân do Việt Nam chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước thực trạng trên, cần tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam còn nhiều dư địa để triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang đến những cơ hội cho Việt Nam, giúp làm nhẹ tác động suy giảm nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.
Để đón đầu cơ hội, từ tháng 6/2020, dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp (Business Innovation Zone) đã được Reed Tradex Việt Nam khởi xướng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, kho vận, nhà máy, máy móc thiết bị, tự động hóa và điện tử.
Đặc biệt, đối với nhóm SMEs – các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, điện tử... tận dụng lợi thế từ cơ hội kinh doanh “trực tiếp và trực tuyến”, thích ứng với những thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua thách thức sau đại dịch.
Ông Vũ Trọng Tài - Tổng giám đốc RX Tradex Việt Nam cho rằng, quá trình phục hồi sau đại dịch của Việt Nam vẫn tiếp tục được các định chế tài chính lớn đánh giá tích cực, ổn định và là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp toàn cầu. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn được xem là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và điện tử.
Do đó, để đón đầu cơ hội quay lại thị trường cần có những chương trình thiết thực giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và điện tử tiếp cận, học hỏi các xu thế mới, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ cũng như gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Và dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp 2023 chính là chương trình cốt lõi, nằm trong chuỗi hoạt động trước thềm Triển lãm Công nghiệp Quốc tế - Vietnam Manufacturing Expo (VME) và Triển lãm Điện tử Quốc tế - NEPCON Vietnam. Đây là 2 triển lãm quốc tế thường niên do RX Tradex tổ chức.
“Cùng với sự đổi mới về các hoạt động và sự tham gia của nhiều đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước, Triển lãm quốc tế VME và Triển lãm NEPCON Việt Nam 2023 sẽ mang lại nhiều cơ hội kết nối kinh doanh thiết thực cho các doanh nghiệp thuộc cả bên mua và bên bán”, Tổng giám đốc RX Tradex Việt Nam nói.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Phan Quang Vinh, Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị RX Tradex Việt Nam cho biết, dựa trên khảo sát ý kiến từ 600 doanh nghiệp đã tham gia từ lúc thành lập cho đến năm 2022, dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động đi theo định hướng chủ đề “Sức mạnh cộng hưởng từ Con người - Công nghệ - Truyền thông”.
Đặc biệt, tiếp nối thành công từ chuyến tham quan nhà máy các năm trước, năm 2023, dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp sẽ mang đến cơ hội tìm kiếm khách hàng tiềm năng qua chương trình tham quan nhà máy tại Thái Lan và Việt Nam.
“Tiêu chí quan trọng để lựa chọn các nhà máy tham quan là tỷ lệ số hóa trên 40%, áp dụng máy móc, công nghệ mới, công nghệ cao, hiện là mô hình nhà máy phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, có đủ năng lực và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để đầu tư FDI”, ông Phan Quang Vinh nhấn mạnh.