“Mắt Thần” cổ xưa trên đảo Long Châu
Nơi ấy, suốt những năm dài khói lửa, chịu đựng hàng ngàn tấn bom đạn của giặc thù, ngọn hải đăng cổ xưa và lớn nhất Việt Nam vẫn được gìn giữ nguyên bản suốt 127 năm với tên gọi thân thương “mắt thần”,“mắt ngọc”… ngạo nghễ dẫn đường, khẳng định chủ quyền giữa điệp trùng sóng vỗ...
Với niềm thôi thúc ấy, sau gần hai giờ rét buốt nơi cửa ngõ Đông Bắc, cuối cùng ngọn đèn biển vời vợi mang trong nó bao nhiêu thăng trầm và kì tích cũng đã hiện ra trước mắt. Đặt chân lên đảo, chúng tôi mới biết, nơi này còn rất nhiều “không”: không điện, không nước, ngút ngàn núi đá và trùng khơi, dẫu Long Châu chỉ cách Cát Bà khoảng 9 hải lý.
Đây là một quần đảo gồm trên 30 đảo nhỏ nằm rải rác, đảo đèn lớn nhất với khoảng 2km2. Ngoài con đường được lát bê tông dẫn vào “nhà đài” và “nhà đèn” được hoàn thành năm 2009, những bao tải hoa nhỏ được đoàn thanh niên tình nguyện mang đất ra trồng từ mùa hè khiến chúng tôi ngỡ như đang ở một khu sinh thái với núi đá bao quanh vụng biển xanh ngắt.
Đây là hòn đảo không có dân cư sinh sống bởi muôn trùng là đá. Thường trên đảo đông nhất cũng chỉ có 10 người “lính” (cả người nhà đèn hải đăng và bộ đội biên phòng) vừa canh cho ngọn hải đăng Long Châu sáng đèn, đỏ lửa vừa tuần tra, kiểm soát biên phòng đảm bảo an ninh từ tuyến tiền tiêu của Tổ quốc. Do đó, mỗi khi “nhà có khách” là “nhà đèn”và “nhà đài” lại chạy qua nhau để bếp núc rộn ràng như anh em trong một nhà.
Được biết, cả quần đảo đều được cấu tạo từ 100% đá tai mèo trơ xám. Bởi thuần núi đá nên ở đây khắc nghiệt nhất là không có nước ngọt, cây cối cũng khó sống. Họa hoằn lắm có một vài cây cỏ cựa mình len đá trồi lên. Những cây cỏ ấy sau khi gồng mình, vận hết nội lực chắt chiu sinh khí của đá mà sống đều trở thành những cây thuốc quý.
Và điều trớ trêu, dẫu sống giữa mênh mông nước, nhưng nước ngọt luôn là sự khát khao, là tài sản vô giácủa các chiến sĩ đảo đèn. Chỉ có vào mùa mưa, lượng nước mới tạm đủ. Cán bộ,chiến sĩ trên đảo phải tìm mọi cách để trữ nước. Đến mùa khô, hàng ngày mỗi người lính trên đảo phải thay nhau cuốc bộ hàng giờ đồng hồ vượt dốc xuống bến tàu mua nước của bà con dân chài. Nước quý như vậy nên mọi người phải tái sử dụng đến nhiều lần trước khi mang tưới rau xanh.
Dẫn chúng tôi đến từng ngóc ngách của ngọn hải đăng Long Châu, anh Trần Vũ Đức, Phó Trạm trưởng Trạm Hải đăng tự hào giới thiệu, ngay từ lúc được người Pháp xây dựng vào năm 1894 đến nay, 127 năm đã trôi qua, nhà đèn uy nghi vẫn được giữ nguyên bản. Và cũng chưa một đêm nào những ngọn đèn này ngừng chiếu dù cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt, trải qua mấy cuộc chiến tranh, cả nghìn tấn bom rơi đạn nổ, bởi bất cứ người lính đèn nào khi ra đảo nhận nhiệm vụ đều hiểu rằng hải đăng Long Châu là vô cùng quan trọng với cảng biển Bắc Bộ. Hiện ngọn hải đăng Long Châu đã gia nhập Hiệp hội Hải đăng quốc tế.
Trong đêm đen, cách xa 27 hải lý, những tần số đèn phát ra, là những thủy thủ trong nước và quốc tế, những ngư dân trên biển biết mình đang cách Long Châu bao nhiêu hải lý…Trong thời gian chiến tranh, hải đăng Long Châu cùng hải đăng Hòn Dáu đóng vai trò tối quan trọng khi dẫn tuyến cho hàng loạt chuyến tàu không số vận tải vũ khí và hàng hóa vào tiền tuyến miền Nam.
Với vai trò huyết mạch như vậy, giặc mỹ đã điên cuồng bắn phá và trút xuống hai địa điểm trên hàng nghìn tấn bom đạn. Chia tay những người lính kiên cường bên ngọn hải đăng kì vĩ, đẹp đẽ và khắc nghiệt, chúng tôi nhớ mãi về những nụ cười hiền, những người lính, những chàng trai để lại vợ con nơi quê nhà, người Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Cát Bà…
Với gia cảnh chẳng mấy khấm khá, họ gắn bó với đảo đá khắc nghiệt, với ngọn hải đăng, bởi ở đó với họ là niềm tự hào, là máu và hoa, cùng tình yêu thầm lặng và cháy bỏng với từng tấc đất, mỏm đá nơi phên dậu Tổ quốc…
Chúng tôi bịn rịn xuống tàu trước khi thủy triều lên. Có cô phóng viên trẻ đã không kìm được nướcmắt. Và họ, đã luôn kiên cường như thế, chào tạm biệt chúng tôi, miệng cười mà mắt đỏ hoe và nói với cô gái: “Bọn anh ở đây không buồn đâu”… Có một nơi như thế, đẹp vô cùng, đẹp như một bức tranh choáng ngợp, nhưng những người lính ở đó, bằng sự giản dị, chân chất, trong những hy sinh thầm lặng giữa cuộc sống ồn ào hôm nay, họ đã sống tràn đầy lý tưởng và cao đẹp…
Và với những chứng tích xưa còn đó, dẫu ở giữa trùng khơi - trái tim Cát Bà vẫn luôn đập cùng nhịp với đất liền, cùng một quyết tâm xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh…
Hòn đảo thần tiên "tím lịm" đẹp đến nao lòng ở Hàn Quốc
Có một hòn đảo ở "xứ sở Kim chi" được bao phủ với một màu tím mộng mơ khắp nơi đang được các bạn trẻ mê sống ảo và những cặp tình nhân ghi vào sổ tay như là "nơi phải đến một lần trong đời trước khi... cưới".
|
Tích cực tìm kiếm ngư dân mất tích trên vùng biển Côn Đảo
Sáng 24-1, tàu SAR 413 đã đưa một thi thể ngư dân của tàu cá BT 93998 TS về Vũng Tàu. Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành các thủ tục tiếp nhận thi thể ngư dân đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp để tìm kiếm 6 ngư dân còn lại.
|
Thiêng liêng cột cờ giới tuyến trên đảo tiền tiêu
Trải qua bão tố phong ba, cây cột cờ sừng sững vẫn cắm chân rất chặt bên bờ sông Bến Hải. Tôi hình dung đó là minh chứng cho một ý chí không bao giờ lay chuyển của một dân tộc, bền bỉ năm tháng bên bờ biển Đông.
|