Mảnh đất cực Tây sẵn sàng cho ngày hội khai trường
Nằm ở cực Tây của Tổ quốc Mường Nhé – mảnh đất được mệnh danh là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, các thầy cô giáo nơi đây phải chuẩn bị cho năm học vất vả và khó khăn hơn những nơi khác. Ngày 26/8 mới là ngày học sinh chính thức vào học, nhưng các thầy cô giáo đã phải chuẩn bị gần cả tháng trời cho công việc này. Nếu những vùng thuận lợi, đến sát ngày học sinh tựu trường các giáo viên chuẩn bị cho năm học mới vẫn kịp. Nhưng còn tại Mường Nhé – địa đầu Tổ quốc công tác chuẩn bị cho năm học mới phải bắt tay vào chuẩn bị từ rất sớm như: dựng lại lớp học bởi sau mùa mưa bão; sửa chưa bàn nghế, lớp học, vận động các bậc phu huynh cho con em đến lớp.v.v.
Các thầy cô giáo ở trường PTDTBT tiểu học Chung Chải dọn vệ sinh nhà ăn cho các em học sinh ở bán trú |
Đứng chân trên địa bàn của xã biên giới, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhé (PTDTBT THCS) năm học này đón hơn 820 em học sinh, trong đó có đến gần 600 em học sinh ăn ở và học tập tại trường.
Thầy giáo Trần Hoàng – Hiệu trưởng cho biết: Để chuẩn bị tốt cho năm học ngay từ đầu tháng 8 nhà trường đã yêu cầu toàn thể cán bộ, giáo viên tập trung tai trường. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho từ bộ phần phụ trách từng công việc cụ thể. Phối hợp với chính quyền xã vận động người dân đưa con em đến trường đúng ngày. Đối với cơ sở vật chất như: phòng hoc, phòng ở bán trú và các đồ dùng dạy học nhà trường chỉ đạo cho các thầy cô giáo lao động dọn vệ sinh, sửa sang những chỗ bị hư hỏng nhẹ và bổ sung thêm những đồ dùng dạy học còn thiếu.
“Những khó khăn về vật chất có thể khắc phục tuy nhiên với điều kiện của xã biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế giao thông đi lại vất vả.v.v cái khó khăn nhất của Nhà trường là việc huy động học sinh ra lớp đúng ngày khai giảng. Hiện nay, giáo viên nhà trường đang tập trung công tác vận động học sinh ra lớp. Ðây là công việc thường xuyên hàng năm, cũng gặp nhiều khó khăn do đặc thù học sinh là con em ở vùng cao, vùng sâu vùng xa”. Thầy giáoTrần Hoàng nói.
Sau giờ học các em học sinh PTDTBT THCS Mường Nhé trồng hoa làm đẹp cảnh quan khuôn viên trường |
Trao đổi với PV Báo Thời Đại ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn huyện có 38 trường, hơn 630 lớp với gần 15.500 học sinh tại 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó gần 5100 trẻ cấp mầm non; gần 6.400 học sinh cấp tiểu học và gần 4.100 học sinh cấp THCS.
Ðể chuẩn bị tốt cho học năm 2019 - 2020, cách đây gần 1 tháng, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã huy động thầy, cô giáo các trường tổ chức tu sửa cơ sở vật chất, dọn dẹp khuôn viên trường, gia cố lại các lớp học tạm; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 700 cán bộ, giáo viên 3 cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong toàn huyện. Bên cạnh đó, việc quan trọng nhất lúc này là các trường đẩy mạnh công tác vận động học sinh ra lớp.
“Đến thời điểm này các trường đều thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của phòng và mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới tại huyện nghèo, biên giới nhưng Mường Nhé đã hoàn thành và sẵn sàng cho ngày hội khai trường.” Ông Trần Ngọc Kiên khẳng định.
Các em học sinh ở trường PTDTBT THCS Sín Thầu tập luyện chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới |
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các trường trên địa bàn, bước vào năm học mới, huyện Mường Nhé cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt là thực trạng thiếu giáo viên. Hiện nay, toàn huyện thiếu gần 300 giáo viên tại 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Riêng cấp học mầm non thiếu gần 200 giáo viên. Do thiếu giáo viên nhiều điểm trường một cô giáo phải giảng dạy 35 đến 45 trẻ.
“Mặc dù khó khăn những tinh thần nỗ lực khắc phục gian khó và lòng yêu nghề mến trẻ của đội ngũ giáo viên cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền huyện nghèo Mường Nhé – Mảnh đất cực Tây của Tổ quốc đã sẵn sàng cho ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường " . Ông Trần Ngọc Kiên nói.