Mạng di động ảo VnSky ra mắt: Thị trường viễn thông thêm sôi động
Mục tiêu lớn của VnSky
Mạng di động VnSky ra mắt trên toàn quốc với đầu số 0777. Trước đó, mạng này được giới thiệu và hoạt động thử nghiệm tại Nghệ An từ ngày 23/5.
Định hướng trở thành giải pháp công nghệ - viễn thông mới, nhằm mang đến những dịch vụ số khác biệt cho khách hàng, VnSky được coi là mảnh ghép quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ sinh thái số của VnPay.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc mạng di động VnSky cho rằng: “Với sự bùng nổ của những nền tảng kết nối, học tập, giải trí và kinh doanh online, chiếc SIM thứ nhất với các dịch vụ viễn thông truyền thống không còn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dữ liệu di động (mobile data) ngày càng cao của người dùng.
VnSky định vị là SIM thứ 2 mang đến data lớn cùng giá cước rẻ, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn để kết nối”.
Vnsky đặt mục tiêu có 5 triệu người dùng năm 2025 và trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất Việt Nam |
Ngay khi ra mắt, Vnsky đặt mục tiêu có 5 triệu người dùng năm 2025 và trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất Việt Nam, với trọng tâm là trải nghiệm số của khách hàng. Mạng di động này sẽ kết hợp với những dịch vụ trong hệ sinh thái VnPay như VnPay-QR, VnShop, VnTaxi… để mang tới cho khách hàng những sản phẩm khác biệt.
Hợp tác với MobiFone, VnSky thừa hưởng lợi thế về hạ tầng viễn thông sẵn có, sở hữu vùng phủ sóng trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ sở để VnSky tập trung nguồn lực vào nghiên cứu, phát triển những dịch vụ số và viễn thông khác biệt.
VnSky tung ra gói cước từ 59.000-89.000 đồng/tháng, trong đó gói cước 89.000 đồng/tháng có data không giới hạn với 3 GB data tốc độ cao mỗi ngày, không giới hạn data khi truy cập YouTube, Tiktok, ví VnPay, miễn phí gọi nội mạng VnSky và MobiFone (cuộc gọi dưới 10 phút, tối đa 1000 phút), miễn phí 50 phút gọi ngoại mạng.
Các mạng di động ảo sắp nở rộ?
Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), số lượng thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam gần 130 triệu, trong đó thuê bao của các mạng di động ảo là 2,65 triệu (chiếm 2,1%).
Theo giới chuyên gia, mô hình mạng di động ảo giúp tiết kiệm tài nguyên và hạ tầng viễn thông sẵn có. Các đơn vị kinh doanh mạng di động ảo có thể triển khai nhanh chóng các dịch vụ mới trên phạm vi toàn quốc, để thu hút người dùng và tăng trưởng đột phá về doanh thu. Như vậy, những mạng mới giúp thị trường có thêm nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ và gia tăng tính cạnh tranh hơn.
Mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng, mua lại lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Các mạng này chỉ tập trung kinh doanh để thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng và nhắm đến thị trường ngách, tận dụng hệ sinh thái sẵn có của doanh nghiệp mẹ đang kinh doanh.
Hiện tại, nhà mạng ảo đầu tiên tại Việt Nam iTel (thuộc Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom) là mạng di động ảo có số thuê bao lớn nhất, hơn 1 triệu người dùng sau 3 năm gia nhập thị trường. Công ty báo lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Đầu năm nay, Tập đoàn Masan ra mắt thị trường với thương hiệu mạng di động ảo Wintel. Theo thống kê, Wintel phát triển được hơn 120.000 thuê bao chỉ trong quý 1/2023, đạt doanh thu 16,5 tỷ đồng.
Nhà mạng di động ảo thứ 3 tại Việt Nam là Local (thuộc Công ty Cổ phần Viễn thông Asim).
Ngoài ra, thị trường này còn góp mặt “tay chơi khủng” là Công ty cổ phần Bán lẻ FPT (FPT Retail) - đơn vị vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép kinh doanh mạng di động ảo.
Như vậy, với sự ra mắt của mạng VnSky của VnPay, sự góp mặt của “ông lớn” FPT Retail, bên cạnh 3 mạng di động ảo đang hoạt động, thị trường này hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.