Lưu ý thí sinh khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2019
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố điểm sàn năm 2019 Thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2019 Hướng dẫn cách thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 |
Từ ngày 22/7, thí sinh cả nước bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Thí sinh chỉ có 1 lần điều chỉnh duy nhất, do đó đây là khoảng thời gian quan trọng, có tính chất quyết định trực tiếp tới khả năng trúng tuyển vào ngành học, trường học mà thí sinh đã lựa chọn.
Thí sinh có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết cách điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển năm 2019.
Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh, thí sinh dễ mắc phải những sai sót khiến cho việc điều chỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tâm lý. Dưới đây là những lỗi sai thí sinh cần lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Điều chỉnh nguyện vọng chính thức ngay từ đầu
Thí sinh nên thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng ra nháp trước khi tiến hành chính thức. Việc điều chỉnh nguyện vọng sẽ phải ghi rất nhiều thông tin liên quan đến kí hiệu, chữ số do đó sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn (tương tự như việc thí sinh làm hồ sơ đăng kí dự thi THPT quốc gia trước đây).
Đối với điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng thì thí sinh đều nên ghi hết tất cả các thông tin ra một bản nháp, sau đó kiểm tra lại nhiều lần. Đến khi các thông tin đều đã đúng thì mới tiến hành điều chỉnh nguyện vọng chính thức.
Đưa ngành có điểm chuẩn thấp nhất lên vị trí nguyện vọng xét tuyển đầu tiên
Vì sợ trượt đại học nên nhiều thí sinh xếp ngành học có điểm chuẩn các năm trước thấp nhất nên vị trí ưu tiên mà không quan tâm rằng trường học, ngành học có phù hợp với bản thân.
Theo quy định, các nguyện vọng được thí sinh lựa chọn trong đợt 1 này đều là nguyện vọng 1 nên các nguyện vọng được xét công bằng với nhau.
Do đó, thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng ưu tiên đầu tiên là các ngành/trường phù hợp nhất với mình và có thể điểm hàng năm cao hơn mức điểm của mình một chút, tiếp theo là các nguyện vọng phù hợp và có điểm hàng năm gần với điểm của mình và sau đó là các nguyện vọng phù hợp và có điểm hàng năm thấp hơn điểm thi của mình.
Khi đó cơ hội trúng tuyển vào các ngành/trường phù hợp nhất với mức điểm chênh lệch so với điểm thi của mình không nhiều.
Chỉ chọn trường xét tuyển, không chọn ngành xét tuyển
Việc chọn được ngành học phù hợp được nhiều chuyên gia đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn đối với việc chọn trường học.
Nhiều thí sinh có tâm lý phải đỗ bằng được vào trường đại học này, học ngành gì cũng được nên đã đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển chỉ vào một trường duy nhất.
Điều này dẫn tới sau thời gian nhập học nhưng phát hiện ra ngành học này không phù hợp nên kết quả học không tốt hoặc bỏ học.
Do vậy thí sinh cần xác định ngành yêu thích nhất và chọn những trường có đào tạo ngành này có mức điểm chuẩn các năm trước gần với mức điểm của mình, sau đó điều chỉnh nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn giảm dần.
Đăng kí quá nhiều nguyện vọng xét tuyển
Theo quy chế, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Tuy nhiên phải chọn những ngành thật sự yêu thích và chọn trường phù hợp với mức điểm của mình. Nếu đã đăng ký quá nhiều nguyện vọng, thí sinh nên chọn lọc lại nhóm ngành và những trường mình yêu thích, nên điều chỉnh lại còn từ 4-5 nguyện vọng là hợp lý.
Quên mật khẩu khi điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến
Trường hợp thí sinh mất hoặc quên mã đăng nhập và mật khẩu, có 2 cách để lấy lại mật khẩu như sau:
Cách 1: Thí sinh nhấn vào link “quên mã đăng nhập” trên màn hình đăng nhập, sau đó làm theo các bước để lấy lại mã đăng nhập.
Cách 2: Trường hợp thí sinh không có hoặc nhớ email, thí sinh liên hệ điểm thu nhận hồ sơ để xin cấp lại mã đăng nhập.
Nhờ người điều chỉnh hộ
Do không định hướng được tương lai của mình và với tâm lý theo bạn, không tự tin vào quyết định của mình nhiều thí sinh đã nhờ người thân điều chỉnh nguyện vọng giúp.
Tuy nhiên khi nhận được kết quả thì nhận ra ngành đã đăng ký không phù hợp với khả năng và sở thích của mình… Do vậy thí sinh cần xác định rõ mục tiêu của mình hoặc tham khảo ý kiến của gia đình, thầy cô, chuyên gia tư vấn khi điều chỉnh nguyện vọng.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong ngày đầu tiên của đợt điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học kéo dài 10 ngày, đã có 44.123 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Cụ thể, trong 44.123 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, có 34.602 thí sinh điều chỉnh trực tuyến, 9.521 thí sinh điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu. Bên cạnh đó, có 13 thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên; 12 thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên. |