Lục Nà - mái đình khuất nẻo biên cương
Trong số các ngôi đình cổ còn lại như những hiện vật văn hóa độc đáo ở miền Bắc nước ta, đình Lục Nà không được thường xuyên nhắc tới, không có tiếng vang như đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái) do nằm ở mảnh đất biên cương khuất nẻo tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Khi chúng tôi thực hiện một chương trình đi tìm những câu hát nhà tơ – hát múa cửa đình, di sản phi vật thể của người miền biển Đông Bắc, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh đã giới thiệu cho chúng tôi biết ngôi đình đặc biệt này. Không phải ngẫu nhiên mà trên trục lan tỏa văn hóa từ châu thổ sông Hồng ra biên giới Đông Bắc, lại tồn tại nhiều ngôi đình cổ có giá trị “kép” từ nghệ thuật kiến trúc đến lưu giữ tinh thần của đồng bào ta như đình đảo Quan Lạn, đình Đầm Hà, đình Trà Cổ, đình Lục Nà. Một điểm đáng lưu ý nữa là các ngôi đình trên hầu như còn nguyên vẹn và đều nằm trên các địa bàn các huyện biên giới, biển, đảo của Quảng Ninh là hiện diện của văn hóa gốc, trấn giữ biên ải.
Hiện nay, đình Lục Nà được địa phương đầu tư, tôn tạo gần nhất vào năm 2011, với tổng đầu tư trên 8 tỉ đồng. Đình có kiến trúc 3 gian, 2 chái, trên diện tích 187m2, bao quanh khuôn viên rộng gồm cổng đình dạng cột, sân hành lễ, nhà quản lý di tích và các công trình phụ trợ khác. Khu đất xây đình là đất cổ, bồi lắng bên sông Tiên Yên, giữa thung lũng tạo bởi dãy núi cao có đỉnh Cao Ba Lanh hùng vĩ. Hằng năm, lễ đình Lục Nà vào mùa xuân diễn ra linh thiêng, náo nhiệt. Các ngày lễ lớn như Ngày hội Văn hóa các dân tộc Bình Liêu đều diễn ra tại đây. Đình Lục Nà giữ vẹn nguyên vai trò là một di tích tín ngưỡng, văn hóa, nơi hành lễ của người dân địa phương và điểm tham quan thú vị dành cho khách du lịch.
Trong đình Lục Nà hiện nay thờ Thành hoàng Hoàng Cần, một người anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Nhiều sử gia đưa ra các giả thuyết cho rằng, nhân vật Hoàng Cần là tướng quân triều đình trấn ải hay là người dân địa phương phất cờ khởi nghĩa chống giặc nhưng chưa có cứ liệu lịch sử để khẳng định. Bản thân ông là người Tày, quê gốc ở Bình Liêu, hay người Sán Dìu, quê ở Tiên Yên cũng vẫn còn tranh cãi. Ngoài đình Lục Nà, hiện còn có một ngôi đền thờ đức ông Hoàng Cần tại Hải Lạng, Tiên Yên cùng ghi công trạng của ông là đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hoàng Cần được định danh là một thanh niên ưu tú có công tập hợp cộng đồng đánh giặc cứu dân vào thời nhà Trần (cách ngày nay 700 năm). Chỉ có một sự thật là tại vùng đất biên cương này, các cộng đồng dân tộc thiểu số đã phong thánh cho tướng quân Hoàng Cần, coi ông là thành hoàng khai sinh vùng đất, lấy “vía” ông để trấn áp tội phạm, bảo vệ chủ quyền, bờ cõi quê hương.
Đối với các vùng miền cao núi thẳm, tín ngưỡng dân tộc có vị trí rất quan trọng trong đời sống nhân dân. Đức ông Hoàng Cần được thờ phụng chung và ngang bằng với thần núi, thần sông, thần thổ địa, được cúng tế mỗi kỳ và xin ban phước đức, an lành cho cả cộng đồng. Đầu năm mới tại đình Lục Nà, lễ hội đình đồng thời là điểm hẹn văn hóa đầu xuân, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu. Khi địa phương xác định văn hóa là nền gốc của sự phát triển, đình Lục Nà càng trở nên quan trọng trong đời sống cộng đồng, toàn bộ các tích xưa cũ, phong tục cũ được phục dựng lại. Xung quanh ngôi đình cổ, người ta chờ đợi các phiên rước lễ, rước sắc phong, tế thần, hội hè. Đây cũng là sân đỗ của các hội diễn văn nghệ quần chúng, các canh hát nhà tơ – cửa đình, thi hát then - đàn tính của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát soọng cô của người Sán Dìu. Các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh quay, kéo co, ném còn, nhảy bao bố là ngày hội giao lưu các dân tộc thiểu số. Đặc biệt là đời sống đặc sắc về văn hóa xung quanh ngôi đình cổ, trong đó có thói quen sinh hoạt ngày thường khỏe mạnh, tích cực của phụ nữ Tày, Sán Chỉ vấn khăn, mặc váy đá bóng mà ngày nay, thói quen này được phát triển thành các giải bóng đá nữ thường niên.
Được xâm nhập vào cộng đồng nhân dân các dân tộc thiểu số tham dự Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu, Quảng Ninh (diễn ra từ ngày 24-4 đến hết ngày 16-5) là một cơ hội để tìm hiểu tầng tầng lớp lớp bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc. Các du khách thường bảo nhau ở nơi rừng thiêng, núi cao, hành trình về với biên cương trước tiên phải ghé đình Lục Nà để trình báo vía đức ông Hoàng Cần. Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng của người địa phương ẩn chứa sự cầu ước cho miền biên giới luôn được bình yên, hiền hòa. Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu năm nay gồm chuỗi sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao mang tên: Ngày hội tháng 3 - Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, Giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ tổ chức tại xã Húc Động, Ngày hội di sản Then Tày tổ chức tại thị trấn Bình Liêu, Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao tổ chức tại xã Đồng Văn...
Xuyên suốt đời sống văn hóa vô cùng phong phú đó, đình Lục Nà như một điểm neo giữ mang đến sự an tâm, tinh thần vững chãi cho cộng đồng các dân tộc Bình Liêu, Quảng Ninh.
Trưng bày ảnh nghệ thuật: “Tự hào một dải biên cương”
Sáng 12-4, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Khai mạc trưng bày ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” tại Bảo tàng Biên phòng.
|
Mùa xuân đặc biệt của người lính biên phòng nơi biên cương
Tết xa nhà, bám biên giới, bảo vệ biên cương vốn là nhiệm vụ, là “chuyện đã quen rồi” của cán bộ, chiến sỹ biên phòng mỗi độ xuân về. Nhưng Xuân Tân Sửu 2021 đối với các anh thực sự là một mùa xuân đặc biệt – cái đặc biệt không mong đợi bởi nó đến do sự hoành hành của đại dịch COVID-19…
|
Gian nan đưa con chữ lên biên cương
Mặc dù, còn nhiều khó khăn, vất vả và thiếu thốn nhưng với tinh thần yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo nơi đây vẫn miệt mài, cần mẫn mang con chữ cho con em đồng bào dân tộc.
|