Loại khỏi quy hoạch 474 dự án thuỷ điện và 213 địa điểm có tác động đến môi trường
Đó là kết quả Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại khỏi quy hoạch các dự án thủy điện chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội.
Thực tế, UBND các tỉnh vẫn đang tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn quản lý để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn theo hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện; các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch theo đúng các yêu cầu đã được nêu ra trong Nghị quyết 62 của Quốc hội.
Ảnh chỉ có giá trị minh họa. Ảnh internet.
Trong quá trình rà soát, vẫn còn một số tỉnh thường xuyên đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch thuần túy dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư mà chưa có cách tiếp cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thủy điện, chưa thực sự phù hợp với quy hoạch điện lực của tỉnh và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy mà Bộ phải xem xét kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật và các tiêu chí về môi trường - xã hội đối với các dự án thủy điện để kiên quyết loại bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện.
Trả lời chất vấn của ĐBQH về thực trạng tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng xây dựng công trình thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Bộ đã chủ trì phối hợp với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Lào Cai, Hà Giang và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý an toàn; giải quyết sự cố khi thi công công trình và cam kết về môi trường.
“Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, việc điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với Hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền tham gia ý kiến; chủ đầu tư các dự án thủy điện đã nhận thức đúng đắn và thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, đã ý thức về việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm đầu tư xây dựng thủy điện cho nên việc quản lý chất lượng xây dựng công trình được ngày càng được cải thiện. Mặt khác, trong quá trình thi công chủ đầu tư các dự án thủy điện đã thường xuyên báo cáo đầy đủ tình hình triển khai xây dựng cho các cơ quan chức năng theo quy định”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận thực tế hiện nay, việc phân cấp để quản lý chất lượng công trình vẫn còn tồn tại một số bất cập cần được khắc phục, chủ yếu liên quan đến nguồn nhân lực.
Ví dụ như, tại các Sở Công Thương chưa có hoặc có ít cán bộ có chuyên môn cần thiết liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như: thủy lợi, thủy điện, xây dựng, giao thông,...) dẫn đến công tác quản lý chất lượng công trình từ khâu thẩm định thiết kế đến việc tổ chức, thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu, việc phối hợp với chủ đầu tư và các chuyên gia, đơn vị tư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh báo Đầu tư.
Thêm vào đó kinh phí chi trả cho các chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn thẩm tra có kinh nghiệm còn thấp; hầu hết các dự án thủy điện thuộc khu vực miền núi, đi lại khó khăn, cách xa các trung tâm thành phố (hầu hết các đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm thì chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang,...) nên không thực sự quan tâm đến việc thẩm tra do kinh phí cho công tác này không nhiều, trong khi phải chi phí cho việc đi lại, ăn ở,...phục vụ khảo sát, thu thập tài liệu, báo cáo kết quả thẩm tra.
K.Đ (t/h)