Lộ “kế hoạch kiểm soát vùng trời Tây Thái Bình Dương” của Trung Quốc
Bản báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển và nâng cấp 9 loại "trang thiết bị chiến lược," trong đó có máy bay ném bom chiến lược loại mới và một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) chủ yếu để đối phó với Mỹ.
Các thiết bị chiến lược còn lại bao gồm tên lửa hành trình tốc độ cao phóng từ trên không, máy bay vận tải cỡ lớn, khinh khí cầu bay trên tầng khí quyển cao, máy bay tiêm kích thế hệ mới, máy bay tấn công không người lái, các vệ tinh của không quân và bom có điều khiển.
Trong khi việc Trung Quốc mở rộng quy mô lực lượng Hải quân và chế tạo một tàu sân bay thứ 2 đang gây chú ý, bản báo cáo trên cho thấy Không quân nước này cũng đã bắt đầu phát triển một chiến lược mở rộng tương tự.
Trung Quốc mở rộng quy mô lực lượng Hải quân và đang chế tạo tàu sân bay thứ hai. (Ảnh: Reuters)
Báo cáo được Học viện chuẩn bị từ hồi tháng 10/2014 này liệt kê Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam vào danh sách "những mối đe dọa" với không phận quân sự Trung Quốc cho tới năm 2030. Ngoài ra, bản báo cáo cũng đề nghị mở rộng phạm vi giám sát từ một “chuỗi đảo đầu tiên” nối Okinawa, Đài Loan và Philippines; đồng thời thiết lập một “chuỗi đảo thứ hai” liên kết Izu, Guam và New Guinea.
Liên quan đến Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc thành lập trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, báo cáo đề xuất Không quân và Hải quân Trung Quốc cần hợp tác để nâng cao năng lực phòng không, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tập trận chung.
Báo cáo cũng nhấn mạnh Không quân Trung Quốc cần tăng cường phát triển lĩnh vực không gian vũ trụ và tên lửa.
Trọng Sang