Lính gác trải từ Bắc Kinh đến Bắc Đới Hà, chuyện gì diễn ra ở hội nghị bí ẩn nhất TQ?
Thông tin về cuộc gặp thường niên giữa các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc không được thông tin công khai, mà dư luận chỉ biết đến khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hai Ủy viên Bộ chính trị nước này tổ chức tiếp đãi các nhà khoa học, kỹ sư... có cống hiến cho quốc gia tại Bắc Đới Hà.
Theo Tân Hoa Xã, Trưởng ban tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ông Trần Hi và Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa đã có buổi tiếp đón các chuyên gia giàu đóng góp vào hôm 4/8 tại Bắc Đới Hà.
Bản tin này đã trở thành thông lệ hàng năm để giới quan sát phán đoán thời gian "hội nghị Bắc Đới Hà" được tiến hành.
Nằm cách Bắc Kinh gần 300km về phía Đông, kỳ nghỉ hè không chính thức ở Bắc Đới Hà là cơ hội để những chính khách quyền lực nhất Trung Quốc hòa mình vào bầu không khí thư giãn, và thảo luận phi chính thức về các vấn đề chính sách-chính trị trong nước.
Ông Trần Hi (trái) tri ân những chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư... có đóng góp cho công cuộc phát triển của Trung Quốc (Ảnh: CCTV)
Đối đầu thương mại Mỹ-Trung "phủ bóng" Bắc Đới Hà
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sự kiện Bắc Đới Hà năm nay nhiều khả năng bị bao trùm bởi một "đám mây" u ám, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ đang đe dọa tác động không chỉ đến nền kinh tế Trung Quốc, mà còn đến môi trường chính trị trong nước và chính sách đối ngoại.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối đầu khi thuế quan 25% được áp lên 34 tỉ USD hàng hóa của mỗi nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đe dọa áp thuế 25% (thay vì 10%) lên thêm 200 tỉ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc và sẵn sàng nhằm vào toàn bộ mặt hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, với giá trị có thể lên tới hơn 500 tỉ USD.
-
Bộ máy cấp cao "mất tích tập thể": Hội nghị bí ẩn nhất Trung Quốc rục rịch khởi động?
Hồi tuần trước, Bộ chính trị Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trung ương để thảo luận tình hình kinh tế đất nước và cam kết gìn giữ ổn định cho nền kinh tế.
Không đề cập trực tiếp đối đầu thương mại Mỹ-Trung, ban lãnh đạo Trung Quốc chỉ thừa nhận nước này đang đối mặt với những bất ổn đến từ "các vấn đề mới, thách thức mới, và những thay đổi then chốt trong môi trường bên ngoài".
Ngày 3/8, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế quan từ 5 đến 25% lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Các nhà phân tích nói rằng, trong khi Trung Quốc đã làm rõ lập trường trong chiến tranh thương mại, cách tiếp cận mới của Bắc Kinh với chính quyền ông Trump, cũng như chiến lược ngoại giao rộng hơn, là những chủ đề thiết yếu được bàn tại Bắc Đới Hà.
An ninh siết chặt ở Bắc Đới Hà
Trước kỳ nghỉ của các lãnh đạo, an ninh đã được siết chặt trong khu vực. Mọi phương tiện đi vào thành phố Tần Hoàng Đảo - nơi có khu nghỉ Bắc Đới Hà - được yêu cầu đăng ký để nhận giấy thông hành tạm thời.
Một nguồn tin "từng dành một vài tuần ở Bắc Đới Hà hàng năm" hé lộ với SCMP rằng kể từ đầu năm 2018, chỉ có đoàn tàu của ông Tập Cận Bình được phép đi vào sân ga Số 1 ga Bắc Đới Hà. Để bảo đảm an ninh tuyệt đối, trên toàn tuyến đường di chuyển của đoàn tàu chở nhà lãnh đạo từ Bắc Kinh cũng có tiêu binh bảo vệ cách mỗi 200m.
Khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà nhìn từ xa (Ảnh: Kyodo)
Dù không có lịch trình chính thức, nghị trình hay tuyên bố chung, Bắc Đới Hà từ lâu được xem là diễn đàn sôi nổi của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, và là nơi nhiều định hướng chính sách được bàn thảo.
Ông Đặng Duật Văn, cựu Phó tổng biên tập Thời báo học tập - cơ quan của Trường đảng trung ương ĐCSTQ, nhận định: "Sau hội nghị Bắc Đới Hà có thể sẽ có một số điều chỉnh [về chiến lược]. Tùy theo diễn biến, tình hình có thể đem tới thêm các quan điểm đa chiều trong đảng".
Theo ông Đặng, Bắc Đới Hà là cơ hội cho ông Tập đánh giá lại và cân nhắc điều chỉnh một số chính sách.
SCMP dẫn lời một quan chức Trung Quốc nghỉ hưu, dù kỳ nghỉ dưỡng là sự kiện không chính thức nhưng bất kỳ cuộc tiếp xúc riêng nào với một lãnh đạo đương nhiệm đều phải được phê chuẩn với thủ tục nghiêm ngặt.
Ông Tập Cận Bình kiểm soát chặt chẽ bất kỳ chương trình gặp gỡ nào.
"Căn hộ nghỉ dưỡng [của các quan chức] nằm rất gần nhau. Mọi người có thể chào hỏi nhau khi đi bộ," nguồn tin hé lộ. "Nhưng mỗi người đều được bảo vệ nghiêm ngặt, mà việc đề xuất gặp mặt các lãnh đạo đương nhiệm luôn khó khăn."
Trung Quốc có dấu hiệu sẵn sàng điều chỉnh chính sách
Cách Trung Quốc tiếp cận chính quyền Trump được dự đoán có điều chỉnh sau cuộc gặp giữa các lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Đới Hà (Ảnh: Reuters)
Trước sự kiện thường niên Bắc Đới Hà, ban lãnh đạo Trung Quốc được cho là đã thể hiện phần nào thái độ sẵn sàng điều chỉnh chính sách.
Trong vòng hai tuần từ khi Mỹ-Trung áp thuế quan lên hàng hóa của đối phương, Bắc Kinh dường như đã hạ nhiệt một số luồng quan điểm dân tộc chủ nghĩa - vốn được nêu cao trong 6 năm qua để ủng hộ "giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa" do ông Tập khởi xướng.
Trang điện tử của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cho đăng ba bài bình luận trong tháng trước, phê phán các bình luận trên báo giới trong nước thổi phồng thành tựu công nghệ và quân sự của nước này, khiến Bắc Kinh trở thành mục tiêu hứng chỉ trích và thái độ hoài nghi từ phương Tây.
Các nguồn tin nói với SCMP rằng nhà chức trách đã ra chỉ thị rõ ràng tới các quan chức về việc "hạ tông giọng" mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, sau khi đoàn đại biểu Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tới Washington hồi tháng 5 không đạt kết quả để ngăn chặn chiến tranh thương mại.
"Trong khi phía Trung Quốc phàn nàn rằng người Mỹ phi lý trong các vấn đề về thương mại, thì phía Mỹ đáp trả về tính dân tộc chủ nghĩa trên truyền thông Trung Quốc," một nguồn tin cho biết.
Nguồn tin khác tiết lộ việc giảm bớt màu sắc dân tộc chủ nghĩa chính là ý kiến của ban lãnh đạo Trung Quốc, bởi "những bài viết đó [trên Nhân dân Nhật báo] được đăng tải để hưởng ứng quan điểm của lãnh đạo".
Hải Võ