Liệt kê top 10 những tập tục quái đản nhất mà tổ tiên ta từng làm trong quá khứ
Dù ở bất kì thời kì nào, những phong tục tập quán thường là một nét đẹp và dấu ấn quan trọng của thời kì đó. Tuy nhiên, có không ít những tập tục kì lạ trong quá khứ mà hiện nay đã không còn tồn tại vì sự kì quặc và có phần không phù hợp của chúng. Hãy cùng tìm hiểu 10 tập tục kỳ lạ thời xưa và nguồn gốc đằng sau đó.
1. Giấc ngủ 2 pha thời Trung Cổ
Người Trung Cổ có giấc ngủ được chia làm 2 pha.
Bình thường, chúng ta thường đi ngủ vào buổi tối và thức giấc vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, những người sống ở châu Âu vào thời Trung Cổ lại không tuân theo nhịp giấc ngủ tưởng chừng như bất biến đó. Họ sẽ bắt đầu giấc ngủ đầu tiên khi mặt trời lặn và tỉnh dậy vào lúc nửa đêm. Sau đó, họ sẽ dành khoảng 2-3 giờ để sinh hoạt hay trò chuyện cùng với bạn bè, người thân trước khi bắt đầu giấc ngủ thứ 2 và thức dậy khi trời sáng.
Các nhà khoa học cho rằng, sở dĩ người ta lại chia giấc ngủ ra làm 2 pha như vậy là vì họ tin rằng khoảng thời gian giữa 2 giấc ngủ là lúc họ có tinh thần sảng khoái nhất. Chính vì thế, họ sẽ tận dụng khoảng thời gian này để thư giãn với bạn bè và người thân.
2. Đồng hồ báo thức di động
Trong quá khứ, có những người đảm nhận công việc đánh thức người khác dậy.
Để thức dậy đúng giờ, thay vì đặt chuông báo thức như chúng ta hiện nay, những người sống ở giữa thế kỉ 18 đến giữa thế kỉ 20 lại có một cách khác hẳn. Vào thời đó, sẽ có một người chuyên làm công việc đánh thức người dân trong làng tỉnh dậy đúng giờ.
Công việc của họ bao gồm việc đi gõ cửa từng nhà vào sáng sớm và dùng những chiếc kèn nhỏ để đánh thức mọi người dậy. Ngoài ra, những người làm việc này được cho là sẽ phải thức đến khi làm xong nhiệm vụ mới được quay về nhà để bắt đầu giấc ngủ.
3. Con trai cũng mặc váy như con gái
Thời xưa, các bé trai phương Tây cũng mặc váy như con gái.
Từ thế kỉ thứ 16 đến tận những năm 1920, việc các bé trai ở phương Tây mặc váy là một chuyện hết sức bình thường. Được biết, các bé trai từ 4 đến 8 tuổi sẽ mặc váy thay vì quần như hiện nay. Khi lớn hơn, chúng sẽ được mặc quần như những nam giới trưởng thành khác.
Thời đó, kinh tế còn khá khó khăn nên việc may quần sẽ tốn nhiều chi phí hơn là may váy. Chính vì thế, các bé trai sẽ được mặc váy giống như con gái để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Dần dần, cách ăn mặc này trở nên phổ biến và ngay cả các cậu bé xuất thân từ gia đình quý tộc giàu có cũng mặc váy như vậy.
4. Trích máu để trị bệnh
Bệnh nhân thời xưa được rút máu trong cơ thể để trị bệnh.
Đến tận đầu thế kỉ 20, nhiều nước ở châu Âu vẫn tin rằng chỉ cần trích máu trong cơ thể người bệnh thì mầm bệnh cũng theo đó mà ra khỏi cơ thể. Phương pháp chữa bệnh vô cùng lạc hậu này đã tồn tại hơn 2000 năm và được áp dụng cho rất nhiều căn bệnh khác nhau.
Tuy nhiên, y học phát triển đã giúp người ta tìm thấy nhiều phương pháp điều trị hữu hiệu hơn để thay thế. Hơn nữa, con người cũng nhận biết được sự nguy hiểm của cách thức trị bệnh này vì nó không những không cứu chữa được nhiều căn bệnh mà còn khiến người bệnh kiệt sức vì thiếu máu.
5. Không tắm để "om dưa"
Thời Trung Cổ, người ta kiêng kị hết mức việc tắm rửa vì sợ bị bệnh.
Ở các quốc gia thời Trung Cổ, con người tin rằng nước mang đến mầm bệnh cho con người còn các loài chấy rận lại là những viên ngọc quý của chúa Trời. Chính vì thế, người ta hạn chế hết mức việc tắm rửa và làm vệ sinh cá nhân.
Thậm chí, ngay cả các bậc cai trị của đất nước cũng tin vào giả thuyết này. Được biết, nữ hoàng của vương quốc Castile còn vô cùng tự hào về cơ thể mình vì bà chỉ tắm đúng 2 lần trong cả cuộc đời là khi mới sinh ra và trước khi kết hôn.
6. Ghép ảnh với người đã khuất
Người đã chết (khoanh vàng) chụp hình cùng những người còn sống.
Khi một người thân ra đi, những người còn lại đều hết sức đau buồn và thương nhớ. Vào thế kỉ 19, người dân ở một số nước Âu Mỹ chọn cách chụp hình với chính người đã chết đó để cố gắng lưu giữ những hình ảnh cuối cùng về họ.
Được biết, người đã khuất sẽ được ăn vận và ngồi trong tư thế tự nhiên như khi còn sống. Không những thế, người ta còn vẽ một cặp mắt mở to trên chính mi mắt đã khép của họ để trông họ như chưa hề ra đi. Sau đó, những người thân sẽ tạo kiểu cùng với xác chết và lưu giữ lại hình ảnh đó như một kỉ vật quý giá. Hiện nay, tập tục này đã không còn tồn tại nữa.
7. Bôi mỹ phẩm làm từ chất phóng xạ
Rất nhiều mỹ phẩm được bổ sung chất phóng xạ để thu hút người mua.
Vào những năm đầu thế kỉ 20 khi con người mới tìm ra các hoạt chất có đặc tính phóng xạ, chúng đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Người dân có thể dễ dàng mua được thức ăn hay nước uống được bổ sung chất phóng xạ. Không những thế, các nhà sản xuất mỹ phẩm cũng nhanh chóng thi nhau bổ sung các chất như radium hay thorium vào các sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều người bị tử vong sau khi tiếp xúc quá nhiều với các chất phóng xạ này. Sau đó, người ta mới nhận ra những tác dụng nguy hiểm của chúng và ngăn cấm việc sử dụng bừa bãi chất phóng xạ trong đời sống hằng ngày.
8. Sử dụng heroin làm thuốc trị ho
Khoảng 100 năm trước, người ta vẫn sử dụng heroin để trị ho.
Heroin là một chất gây nghiện nguy hiểm bị nghiêm cấm trên toàn thế giới. Tuy vậy, cách đây khoảng một thế kỉ, chất này lại được sử dụng rộng rãi như một thuốc trị ho thay thế cho morphine. Thậm chí, heroin còn được dùng cho cả trẻ em.
Năm 1924, người ta phát hiện ra rằng heroin sẽ chuyển thành morphine tại gan và gây độc cho cơ thể. Kể từ đó, chất này mới bị cấm trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, mãi đến năm 1971 thì Đức mới nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng chất này để sản xuất thuốc.
9. Máy tắm biển
Chiếc máy tắm biển được dùng vào thế kỉ 19.
Tắm biển vẫn luôn là một thú vui được nhiều người yêu thích. Tuy vậy, lễ giáo thời xưa lại khá khắt khe với việc một người tự do ngâm mình giữa biển khơi. Vì thế, người ta đã phát minh ra một thiết bị đặc biệt gọi là máy tắm biển. Thiết bị này được sử dụng khá rộng rãi vào thế kỉ 19 cho cả nam và nữ.
Thực chất, nó là một cỗ xe được che kín bằng vải rèm. Khi muốn tắm biển, người dùng sẽ kéo chiếc máy này ra giữa biển và ngâm mình bên trong đó. Nhờ vậy, những người xung quanh sẽ không thấy được cơ thể của họ khi tắm. Ngoài ra, những chiếc máy của nữ cũng sẽ được đặt cách xa những chiếc máy của nam.
10. Lấy đá làm giấy chùi vệ sinh
Người Hi Lạp cổ đại dùng đá để lau sạch cơ thể sau khi đi vệ sinh.
Trước khi phát minh ra giấy, người ta đã phải tận dụng rất nhiều đồ vật khác để vệ sinh sau khi đi toilet. Chúng bao gồm: lá cây, cùi bắp, vỏ dừa hay lông cừu. Tuy nhiên, những người Hi Lạp cổ đại sẽ khiến bạn ngạc nhiên hơn nhiều khi biết vật liệu mà họ sử dụng cho mục đích này là đá.
Ngoài ra, họ còn sử dụng cả các mảnh sành sứ vỡ để làm sạch cơ thể sau khi đi vệ sinh. Rất nhiều di tích khảo cổ vẫn còn lưu giữ hình ảnh về thói quen kì lạ này.
(Nguồn: B.S)
Hiền Phan