Liên Hợp Quốc, Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội giới thiệu gói dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành
Toàn cảnh hội thảo
Gói dịch vụ là một phần Chương trình chung toàn cầu của Liên Hợp Quốc về Các dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Đây là chương trình chung giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Quỹ dân số thế giới (UNFPA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Chương trình xác định các dịch vụ thiết yếu cần được các ngành y tế, dịch vụ xã hội, tư pháp và hành pháp cung cấp, đồng thời hướng dẫn công tác điều phối các dịch vụ thiết yếu và quản trị các quá trình và cơ chế điều phối nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tốt hơn với gói dịch vụ đa ngành thiết yếu và có chất lượng dành cho phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trên cơ sở giới. Đây là chương trình có quy mô toàn cầu được hỗ trợ bởi Chính phủ Australia và Tây Ban Nha.
Các dịch vụ hỗ trợ tổng thể trong chương trình bao gồm: các dịch vụ y tế thiết yếu (đánh giá mức độ tổn thương tâm lý, xác định phương pháp tham vấn và trị liệu, cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý để phục hồi sang chấn…); dịch vụ pháp luật/tư pháp (thông tin cho nạn nhân về quyền của họ, các chi tiết về thủ tục pháp lý, các quy trình xét xử, cơ hội bồi thường…); dịch vụ xã hội (các đường dây hỗ trợ thông tin tư vấn khủng hoảng; hỗ trợ chỗ ở an toàn, vật chất và tài chính; hỗ trợ tái hòa nhập…).
Bạo lực với phụ nữ và trẻ em mang tính hệ thống, rộng khắp và có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc từng nhận xét bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã lan tràn như một dịch bệnh. Theo báo cáo rà soát toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 35% phụ nữ trên thế giới từng bị bạo lực thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do chồng/bạn tình hoặc bạo lực tình dục do người không phải chồng/bạn tình gây ra. Ước tính cứ 5 trẻ em gái thì có một em từng bị lạm dụng; ở một số nước, tỷ lệ này có thể lên đến 1 trên 3 trẻ em gái. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia của Tổng cục thống kê và Liên Hợp Quốc năm 2010, 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, trong đó có tới 10% cho biết đã bị bạo lực tình dục. Hơn 50% phụ nữ bị bạo lực không nói với bất cứ ai và 87% phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công.
Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cũng làm hạn chế sự phát triển kinh tế và xã hội của cá nhân người phụ nữ và làm giảm năng suất. Tại Việt Nam, phụ nữ bị bạo lực có thu nhập ít hơn những người không bị bạo lực 35%. Dự kiến tình trạng mất năng suất chung chiếm khoảng 1,78% GDP. Khi kết hợp với các chi phí mà họ phải chi trả và việc thu nhập bị mất đi, tỉ lệ này lên tới 3,2% GDP.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu thay mặt các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Hội thảo công bố, bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho biết, “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể ngăn chặn được. Việc cung cấp, điều phối và quản lý các dịch vụ thiết yếu về y tế, hành pháp, tư pháp và dịch vụ xã hội có thể làm giảm nhẹ hậu quả và nâng cao quyền cho phụ nữ và ngăn chặn bạo lực tái diên. Đây là chính xác những gì Gói dịch vụ thiết yếu hướng đến.”
“Hướng dẫn thực hiện của Gói dịch vụ thiết yếu sẽ giúp đảm bảo rằng các dịch vụ trong lĩnh vực khác nhau có thể cung cấp hỗ trợ cần thiết cho tất cả mọi người mà không có ngoại lệ. Để các dịch vụ có thể tiếp cận được, phẩm giá và sự an toàn của người bị bạo lực phải được đặt tại vị trí trung tầm vì các dịch vụ này là hành động đầu tiên của chuỗi ứng phó trợ giúp những người vừa trải qua bạo lực,” bà cho biết thêm.
Đại biểu đặt câu hỏi về Gói dịch vụ
Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành lựa chọn một tỉnh ở Việt Nam và thực hiện thí điểm Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại tỉnh đó.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận nhóm về các cơ hội và thách thức hiện tại trong việc cung cấp dịch vụ và những điểm cần cải thiện; làm thế nào để công tác điều phối trong từng ngành với nhau có thể vận hành được và hiệu quả tại Việt Nam.
Minh Phương