Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII
Ban chấp hành Đảng ủy, các Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng tham dự hội nghị.
Cán bộ, đảng viên, người lao động cơ quan Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (Ảnh: Hải An). |
Tại Hội nghị, ông Phan Anh Sơn đã phổ biến nội dung cơ bản của 3 Nghị quyết và 1 Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và một số quy định của Đảng bao gồm: Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 45-KL/TW về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Phan Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thông tin một số quy định mới đến hội nghị (Ảnh: Hải An). |
Trong đó, tập trung vào việc phân tích cụ thể hoàn cảnh ban hành, quan điểm, các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, trọng tâm, nhiệm vụ và giải pháp của từng Nghị quyết, đặc biệt là những nội dung quan trọng, thiết thực đối với công tác đối ngoại nhân dân và đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân như: định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, tư duy về các lĩnh vực của hoạt động đối ngoại nhân dân, trong đó có công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ…
Cùng ngày, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng đã tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề quý IV năm 2022 với nội dung: "50 năm ký Hiệp định Paris – Ý nghĩa và bài học”. Theo ông Phan Anh Sơn, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết là mốc son lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris cách đây gần 50 năm (23/01/1973 – 23/01/2023) đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, có thể nghiên cứu vận dụng sáng tạo trong thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay. Ông Sơn đã thông tin khái quát quá trình đàm phán, nội dung, bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán Hiệp định Paris đến hội nghị.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hải An). |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết: Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể qua các văn bản như nghị quyết, chỉ thị, kết luận… đều hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động cơ quan Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần hiểu rõ bối cảnh ban hành, quan điểm, các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, trọng tâm, nhiệm vụ và giải pháp của các văn bản chỉ đạo, có hành động cụ thể đưa nội dung nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
Sau Hội nghị, các chi bộ trực thuộc cơ quan Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo Kế hoạch số 96-KH/ĐULHHN ngày 25/11/2022 của Đảng ủy cơ quan đến toàn thể cán bộ, Đảng viên, người lao động.