Libya: Các chính phủ đối lập cam kết ngừng bắn
Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi cựu lãnh đạo, Đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Kể từ năm 2016, Chính phủ theo Hiệp ước Quốc gia (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj chính thức lên nắm quyền, đặt trụ sở tại Thủ đô Tripoli và được Liên Hợp Quốc (LHQ) hậu thuẫn.
Tuy nhiên, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) dưới quyền Tướng Khalifa Haffar, trụ sở ở Tobruk, đã từ chối công nhận GNA. Ông Haffar đang tiến hành cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và mới tuyên bố chiến thắng tại Benghazi, thành phố lớn thứ 2 đất nước.
Hồi đầu năm, 2 bên đã tiến hành đàm phán nhưng không thể đưa ra tuyên bố chung. Tuy vậy, sau vòng đàm phán gần đây nhất, tổ chức tại Paris (Pháp) hôm 25/7 do LHQ làm trung gian, Thủ tướng Sarraj và Tướng Haffar đã đạt được đồng thuận về lệnh ngừng bắn.
Tuyên bố chung gồm 10 điểm của 2 nhà lãnh đạo sau cuộc gặp nêu rõ: "Chúng tôi cam kết ngừng bắn và (các bên) không được sử dụng vũ lực vì bất cứ mục đích gì mà không tuân thủ chính sách chống khủng bố".
Ông Sarraj (trái), ông Macron (giữa) và Tướng Haffar tại vòng đàm phán hôm 25/7. (Ảnh: AFP)
Cũng theo văn kiện này, 2 bên cam kết tổ chức bầu cử vào năm 2018 và "xây dựng hệ thống luật pháp" ở Libya - quốc gia đang nỗ lực kiểm soát các nhóm vũ trang sau khi rơi vào khoảng trống quyền lực mà chế độ Gaddafi để lại.
Nhận định về cam kết ngừng bắn trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người tham dự đàm phán với tư cách nước chủ nhà - đã ca ngợi "sự dũng cảm" của các nhà lãnh đạo Libya. Ông Macron cho rằng đây sẽ là biểu tượng cho sự hòa giải ở Libya.
Giống như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác, ông Macron kỳ vọng các bên tham chiến ở Libya sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, bởi quốc gia này đang trở thành con đường chính cho người nhập cư đến châu Âu.
Từ đầu năm đến nay, hàng vạn người đã từ Libya vượt biển Địa Trung Hải với hy vọng đến được châu Âu. Trong đó, có hàng nghìn người chết đuối, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Hồng Anh