Lên Hà Giang thưởng thức các món ăn ngon – lạ
Thắng cố
Thắng cố là đặc sản ở Hà Giang, mang đậm nét văn hóa của người vùng cao. Mỗi khi ghé thăm mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, du khách có thể thưởng thức món ăn có một không hai này cùng với rượu ngô.
Được chế biến từ nội tạng và xương của trâu, bò cùng với các loại thảo quả, món thắng cố thường xuất hiện trong những phiên chợ vùng cao. Đến đây, bạn sẽ thấy những nồi thắng cố khói bay nghi ngút phảng phất mùi thơm đặc trưng thật hấp dẫn.
Thực khách nên ngồi xổm và tụ tập nhiều người cùng uống vài ly rượu ngô bên nồi thắng cố bốc khói thì mới có thể cảm nhận được trọn vẹn sự lý thú.
Thắng dền
Là loại bánh ăn chơi nổi tiếng ở thành phố Hà Giang, thắng dền có hình dạng giống với chè hay bánh trôi tàu ở dưới miền xuôi. Bột nếp và đường nặn thành những viên nhỏ hình tròn, khi chuẩn bị ăn thì luộc lên rồi chan nước đường. Hỗn hợp mang vị ngọt béo của nước cốt dừa, vị cay cay của gừng, điểm xuyết thêm vài sợi dừa nạo cùng chút lạc rang.
Món ăn thơm ngon có hương vị đậm đà và mức giá bình dân này (10.000 đồng/bát) rất thích hợp để thưởng thức khi thời tiết lạnh giá, khi du khách quây quần bên bạn bè.
Cháo ấu tẩu
Ấu tẩu hay còn gọi là cháo đắng được xem là món ăn độc đáo ở Hà Giang mà bất kỳ du khách nào cũng nên nếm thử một lần. Khi loại đồ ăn nóng hổi được bày trước mặt, thực khách nhìn qua cũng có thể cảm nhận được đủ loại mùi vị tỏa ra từ trong một chiếc bát. Đó là hương thơm của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ trồng trên nương nấu nhuyễn, của nước hầm chân giò béo ngậy, lá gia vị... hòa trộn với vị bùi bùi từ củ ấu ninh nhừ.
Tiếp đó, bạn dần dần cảm nhận được hương vị đặc trưng kết hợp giữa gạo, thịt băm, nước hầm xương và rau thơm… Sở dĩ nó được gọi là cháo đắng vì khi dùng thấy có vị đắng, thường khó ăn lúc đầu nhưng ấu tẩu lại "gây nghiện" cho bạn về lâu về dài.
Tới Hà Giang vào mùa đông, ăn một bát cháo ấu tẩu bên bếp lửa hồng sẽ làm cho du khách cảm thấy ấm áp hơn.
Rêu nướng
Không chỉ nổi tiếng với thắng cố, thắng dền hay cháo ấu tẩu, ở Hà Giang còn có rêu nướng – món ăn lạ lẫm ngay từ tên gọi. Người Tày thường lựa chọn những đám rêu non ở suối về, làm sạch nhớt rồi trộn cùng với gia vị, gói lại để đem nướng.
Không chỉ là món ăn độc đáo ở của Tày (Hà Giang), rêu nướng còn có tác dụng chữa nhiều bệnh. Đây là món ăn yêu thích của nhiều người khi tới Hà Giang.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau: đỏ, vàng, xanh, tím và trắng, dễ dàng được tìm thấy tại các phiên chợ ở Hà Giang.
Cách chế biến món xôi rực rỡ này của các vùng cơ bản giống nhau. Tùy điều kiện từng nơi, người dân có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nữa.
Nguyên liệu gồm có: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau…
Món ăn này hội tụ giá trị truyền thống, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp của người dân nơi đây.
Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam được làm chín bằng cách cho gạo vào ống tre, ống nứa rồi nướng chín trên than, củi. Người dân bản địa mang theo chúng khi đi làm nương rẫy, vừa thuận tiện và dễ bảo quản. Mỗi dân tộc ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến thành hương vị riêng, nhưng cơm lam Bắc Mê của người Tày mang hương vị đậm đà đặc biệt, để lại ấn tượng trong lòng du khách.
Kỹ thuật chế biến cơm lam khá đơn giản, nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo trong từng khâu một. Dùng loại gạo nếp được trồng trên nương, ngâm nước sạch và đãi kỹ, xóc thêm chút muối. Thân cây họ tre trúc được chặt từ trên núi về thành từng lóng, mỗi lóng chặt bỏ một đầu, đầu còn lại có tác dụng như đáy nồi. Cho gạo vào ống tre rồi đổ nước vào ống sao cho vừa bằng với lớp gạo trên cùng, miệng ống được nút bằng lá dong hoặc lá chuối tươi.
Sau đó, người ta cho ống tre lên bếp than hồng, vừa nướng vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt xung quanh tác dụng đều lên ống. Khoảng một giờ sau, mùi cơm nếp tỏa ra thơm lừng là lúc cơm đã chín. Trước khi ăn, dùng dao chẻ bỏ phần ống tre đã cháy đen bên ngoài, để lại một lớp trắng phía trong. Tước nốt lớp vỏ trắng, cơm lam định hình ở dạng ống đặc, được bao quanh bởi một lượt màng ỏng màu trắng ngà của ruột ống tre.
Lạp sườn
Vào mỗi dịp Tết, người dân Hà Giang nô nức mổ lợn và làm sườn. Lạp sườn được làm từ thịt nạc và thịt mỡ thái miếng ướp gia vị, cùng rượu trắng, nước gừng, quả mắc mật xay nhỏ rồi dồn vào trong lòng non, khi nhồi xong đem phơi nắng cho khô dần hoặc hong gác bếp sau 5–7 hôm là ăn được.
Trước khi ăn có thể nướng hoặc chiên, sau có cắt lát chấm với mắm gừng. Lạp sườn vùng cao phảng phất mùi khói bếp, mùi rượu, gừng cùng mùi thơm đặc trưng của lá mác mật tạo nên hương vị đặc biệt.
Thịt trâu, lợn gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của người Thái đen, được làm từ bắp thịt trâu nuôi trên vùng núi ở Tây Bắc. Khi làm người ta lấy phần thịt xẻ dọc theo thớ rồi ướp gia vị, hun bằng khói và được mắc trên giàn bếp trong vòng 2 tháng. Đây được xem là nét độc đáo của người dân vùng cao.
Thịt trâu nhắm với rượu ngô sẽ làm thành "cặp đôi hoàn hảo" trên bàn ăn, đặc biệt hấp dẫn bởi hương vị mặn, cay đan xen hài hòa, tinh tế.
Rượu ngô chợ Đồng Văn
Rượu ngô của người dân tộc Mông là đặc sản trứ danh ở Hà Giang. Nguyên liệu là loại ngô bản địa của cao nguyên đá nấu cùng với thứ men lá truyền thống. Khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô và đặc biệt là nếu có quá chén thì hôm sau, người uống hiếm khi bị mệt do độ cồn của rượu không quá cao (khoảng 25–30 độ).
Rượu ngô không chỉ là thức uống bình thường mà được sinh ra từ cuộc sống lao động vất vả của cư dân địa phương. Vì thế, nó ẩn chứa giá trị tinh thần ý nghĩa, và trở thành một tặng vật tiếp thêm sức mạnh cho con người luôn lạc quan vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt như ở cao nguyên đá Hà Giang.
Nguyên Vũ