Lễ cúng tổ tiên của dân tộc nào là di sản quốc gia?
"Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" là nơi nào? Quả thanh long là đặc sản của vùng đất nào? Cà phê là đặc sản của tỉnh nào? Sóc Bom Bo ở tỉnh nào? |
Lễ cúng tổ tiên của dân tộc là di sản quốc gia
Hỏi:
Lễ cúng tổ tiên của dân tộc nào là di sản quốc gia?
A. Dân tộc Lô Lô
B. Dân tộc Tày
C. Dân tộc H’Mông
D. Dân tộc Nùng
Đáp án:
A. Dân tộc Lô Lô
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là di sản văn hoá phi vật thể thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012. Đây là nghi lễ cổ truyền của cộng đồng Lô Lô, thường được tổ chức hàng năm vào ngày 14/7 (âm lịch) tại các gia đình trưởng họ.
Theo Hồ sơ di sản (tư liệu tại Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lich), khi gia đình Lô Lô có người chết 3-4 năm, con trưởng sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ "duỳ khế") và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị hình người để thờ cúng. Bàn thờ này được đặt ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ cắm hoặc cài ở vách phía trên để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.
Tuy mọi gia đình Lô Lô đều có ban thờ tổ tiên, nhưng lễ cúng tổ tiên lại thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu, đôi trống đồng.
Khi dòng họ có kế hoạch làm lễ, trưởng họ trực tiếp mời thầy cúng, cử một người đàn ông đi mượn trống đồng - bảo vật linh thiêng của cộng đồng về làm lễ. Nghệ nhân đánh trống đồng, người hóa trang thành người rừng (Ma cỏ) được dòng họ mời tham gia múa nghi lễ. Các Ma cỏ phải cùng nhau tìm loại cỏ Su choeo trên núi Chun ta (đỉnh núi có tên gọi là núi "Sống lưng") để bện quanh người thành trang phục che kín thân. Hoá trang xong, Ma cỏ sẽ nhảy múa cho đến khi kết thúc Lễ cúng tổ tiên. Trong giai đoạn đó, họ không được phép ăn, nói; đi đứng không được vấp ngã, vì nếu vấp ngã hoặc bị nhận dạng thì năm đó sẽ gặp xui xẻo.
Lễ cúng tổ tiên hay lễ cúng tang ma cho người đã khuất của người Lô Lô bắt buộc phải có người "nhảy lễ" trong trang phục Ma cỏ. Họ quan niệm, Ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo. Vì thế, ngày nay khi làm lễ, muốn tổ tiên về được thì phải có Ma cỏ dẫn đường, làm cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên và người chết mới được dẫn lối về nhận tổ tiên ở thế giới bên kia.
Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản... Đây là nghi lễ có tính thiêng, đầy chất nghệ thuật của riêng người Lô Lô, hiện vẫn được cộng đồng này duy trì, thực hành đều đặn theo truyền thống.
Lễ cúng tổ tiên người Lô Lô (Ảnh: Doanh nghiệp).
Vật của người Lô Lô được công nhận bảo vật quốc gia
Hỏi:
Vật gì của người Lô Lô được công nhận bảo vật quốc gia?
A. Bộ cồng chiêng từ thế kỷ 5
B. Đôi trống đồng từ thế kỷ 5
C. Nhà của người Lô Lô
D. Không có vật gì
Đáp án:
B. Đôi trống đồng từ thế kỷ 5
Người Lô Lô (tên gọi khác là Di) là một trong 54 dân tộc sinh sống, làm việc, lao động và học tập tại Việt Nam. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, cộng đồng này có hơn 4.500 người, thuộc nhóm dân tộc ít người nhất Việt Nam. Người Lô Lô cư trú tại 30 tỉnh/thành, trong đó chủ yếu ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng), hay Mường Khương (tỉnh Lào Cai) và Lai Châu.
Người Lô Lô có hai nhóm đen (quý tộc) và trắng (bình dân). Họ nói tiếng Lô Lô, có chữ viết riêng, nguồn sống chủ yếu là ngô và lúa nương. Cộng đồng Lô Lô có nhiều dòng họ, người trong cùng một dòng họ thường quần tụ với nhau thành một làng.
Người Lô Lô có chiều dày lịch sử và truyền thống văn hóa đặc sắc với nhiều dấu ấn đậm nét. Tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt của tộc người này là trống đồng, được người dân coi như báu vật thiêng liêng biểu tượng sức sống của dân tộc.
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trống đồng Lô Lô thường đi thành cặp, một chiếc đực (nhỏ hơn) và một chiếc cái (lớn hơn), dùng trong các dịp lễ Tết, tang ma.
Trống được cấu tạo tang mở, thân eo, chân choãi, có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh. Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tiêu biểu như: đường thẳng song song hướng tâm, vòng tròn chấm, hình người hóa trang cách điệu, mặt trống có nhiều lỗ tròn thủng. Người Lô Lô quan niệm, những lỗ tròn ấy là mặt trời, tia trống là con mắt của mặt trời, vành hoa xung quanh là các hành tinh.
Năm 2015, đôi trống đồng có niên đại thế kỷ 5 của cộng đồng người Lô Lô được Thủ tướng Chính phủ ký công nhận là bảo vật quốc gia, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Trống đồng của người Lô Lô (Ảnh: Du lịch).
Đám cưới của người Lô Lô
Hỏi:
Đám cưới của người Lô Lô có điều gì khác biệt so với các dân tộc khác?
A. Không có lễ vật cưới
B. Không đón dâu bằng ngựa
C. Không đưa lễ vật trực tiếp cho bố mẹ cô dâu
D. Không có gì khác biệt
Đáp án:
C. Không đưa lễ vật trực tiếp cho bố mẹ cô dâu
Cưới hỏi là sự kiện vô cùng trọng đại trong cộng đồng người Lô Lô. Hôn nhân của dân tộc này là một vợ một chồng, cư trú tại nhà chồng.
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tập quán lâu đời của người Lô Lô là sau khi chọn được ngày tốt, nhà trai sẽ nhờ bốn người làm mối mang hai chai rượu và lễ vật đến nhà gái dạm hỏi. Nếu nhà gái đồng ý, nhà trai làm cỗ rồi ấn định ngày cưới. Đồ thách cưới thường là: gạo nếp, gạo tẻ, thịt lợn, rượu. Ngoài ra, nhà gái có thể yêu cầu thêm: váy, áo, vòng tay, vòng cổ cho cô dâu, thậm chí còn thách cả bạc trắng để làm của hồi môn.
Khác với những dân tộc khác, người Lô Lô không đưa lễ vật cho bố mẹ cô dâu mà mang lễ vật đến cho ông cậu. Đây là người có vai trò rất quan trọng trong gia tộc Lô Lô và là người quyết định việc hôn nhân, việc phân chia tài sản. Các lễ vật sau khi được đưa đến nhà ông cậu sẽ được người này chuyển lại cho bố mẹ cô dâu.
Sau lễ dẫn cưới 1 ngày, nhà trai sẽ làm lễ đón dâu, thường vào ngày chẵn với mong ước đôi trẻ mãi mãi không bị lẻ loi. Lễ dâng cưới diễn ra trong lời ca đón rể, đón dâu mừng hai họ hết sức thân mật. Tối hôm đó nhà gái tổ chức hát thâu đêm suốt sáng để phúc chúc cho cô dâu chú rể.
Sáng hôm sau, cơm nước xong, chú rể cùng phù rể vào bái lạy tổ tiên, lễ sống bố mẹ vợ cùng ông cậu và quan khách. Ông cậu sẽ dắt cháu gái từ trong buồng ra trao cho nhà trai. Cả gia đình nhà gái đều khóc thể hiện sự quyết luyến với người con gái đi lấy chồng, cô dâu thì khóc to hơn như lưu luyến không muốn rời xa bố mẹ đẻ của mình. Nhà trai, nhà gái mỗi bên có một phù dâu dắt tay cô dâu đi ra. Dẫn đầu đoàn dâu là bốn người làm mối, đi sau là cô dâu cùng phù dâu và họ hàng nhà trai.
Đám cưới người Lô Lô (Ảnh: Khám phá văn hóa Việt). |
Hỏi:
Tập tục của người Lô Lô trong đám cưới là bố mẹ chồng lánh mặt đi khi con dâu bước vào nhà chồng có ý nghĩa gì?
A. Để tránh mâu thuẫn trong đời sống nhà chồng – nàng dâu
B. Để tránh mâu thuẫn giữa bố chồng – nàng dâu
C. Để tránh mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu
D. Để tránh vía cô dâu khiến người này không khỏe mạnh
Đáp án:
D. Để tránh vía cô dâu khiến người này không khỏe mạnh
Theo tập tục, khi cô dâu Lô Lô bước chân vào nhà chồng trong đám cưới, bố mẹ chồng sẽ phải tạm lánh mặt đi nơi khác vì sợ gặp mặt thì sẽ át vía, sau này con dâu sẽ không khỏe mạnh.
Đoàn dẫn dâu về nhà trai được một lúc thì đoàn ông cậu của nhà gái sẽ mang của hồi môn sang, gồm: lợn, gà, rượu, thịt, xôi nếp, cái cuốc, con dao, hòm quần áo của cô dâu... Nhà trai khi đó sẽ tổ chức linh đình và hát mừng suốt đêm để chúc cho hạnh phúc đôi trẻ. Khi tiễn ông cậu về, nhà trai tùy số của hồi môn ít hay nhiều của cô dâu mà đưa lại một số tiền gọi là tiền đi đường và làm quà.
Cỗ cưới của người Lô Lô diễn ra trong ba ngày liên tục. Kết thúc 3 ngày ấy, cô dâu chú rể trở lại thăm nhà vợ, có thể ở lại nhà gái ít bữa, sau đó về ở hẳn tại nhà chồng. Trong hôn nhân, người Lô Lô thịnh hành chế độ một vợ một chồng và rất nghiêm khắc với những ai vi phạm, ngoại tình. Chính vì thế người Lô Lô rất ít khi ly hôn, đời sống vợ chồng của họ khá bền vững.
Thiếu nữ người dân tộc Lô Lô (Ảnh: Đại đoàn kết). |
Tục làm ma khô trong đám tang của người Lô Lô
Hỏi:
Tục làm ma khô trong đám tang của người Lô Lô có ý nghĩa gì?
A. Để người chết về với tổ tiên, không quấy quả con cháu
B. Để xua đuổi ma xấu làm hại linh hồn người chết
C. Để người chết được an nghỉ
D. Không có ý nghĩa gì
Đáp án:
A. Để người chết về với tổ tiên, không quấy quả con cháu
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, làm ma khô là nghi thức không thể thiếu trong tang lễ của người Lô Lô sau khi đã chôn cất người quá cố.
Người Lô Lô quan niệm, con người có 2 phần: linh hồn và thể xác. Khi đem đi chôn, đấy mới chỉ là tiễn đưa thể xác, phần hồn vẫn ở lại, lang thang đâu đó, chưa về được với thế giới tổ tiên. Chính vì thế họ làm ma khô để triệu hồn về, tiễn đưa lần cuối. Lúc này, người chết mới gia nhập được vào thế giới tổ tiên một cách trọn vẹn và được đưa lên bàn thờ thờ cúng. Nếu không tổ chức làm ma khô, hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên, sống lang thang vất vưởng hoặc quay về quở phạt, quấy quả con cháu, làm mọi người bệnh tật, súc vật ốm chết.
Tục làm ma khô của người Lô Lô (Ảnh: Văn hóa Việt Nam). |
Xem thêm
Tỉnh nào được gọi là “vựa dầu mỏ“ lớn nhất Việt Nam? Với bờ biển dài hàng trăm km, tỉnh này có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất Việt Nam, phát triển mạnh ngành khai thác dầu ... |
Tỉnh nào trồng nhiều vú sữa nhất Việt Nam? Vú sữa được người Việt Nam sử dụng từ hàng trăm năm trước. Loại trái cây này hiện có rất nhiều giống như vú sữa ... |
Tỉnh nào trồng nhiều cọ nhất cả nước? Tỉnh này sở hữu hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, trồng nhiều cọ nhất cả nước và có nhiều ... |
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm ở tỉnh nào? Đây là một tỉnh miền núi phía Bắc, có những con đèo cao hiểm trở, dòng sông lớn nhất nhì cả nước chảy qua. Nơi đây ... |
Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải thuộc tỉnh nào? Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (1956-1964) phía bờ Bắc của tỉnh này với những khẩu hiệu thể hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc. ... |
Cố đô Hoa Lư thuộc tỉnh nào? Những danh lam thắng cảnh như: Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Bãi Đính… đều thuộc tỉnh này. |