Lan tỏa vẻ đẹp áo dài ngũ thân
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt: Tiền thân của chiếc áo dài ngày nay là áo ngũ thân tay chẽn - loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn, ống tay hẹp và vạt ngắn hơn nam - loại áo này được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Gọi là áo ngũ thân vì loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất. “Người Huế gọi là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng, năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người, bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường “nhân - nghĩa - lễ - trí - tín”; ngũ luân biểu trung cho hình ảnh “quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè”. Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.
Trong những nghi lễ ngoại giao như trình quốc thư, trang phục áo dài, khăn xếp đã được nhiều đại sứ của Việt Nam lựa chọn như: năm 2018, khi Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An trình quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, ông đội khăn đóng, mặc chiếc áo màu xanh nước biển thẫm, trên áo có in hình hoa văn truyền thống. Năm 2020, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cũng chọn trang phục áo dài khi trình quốc thư lên Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng nhiều lần chọn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam khi xuất hiện trong các hoạt động đối ngoại. Ông nói: Lựa chọn này xuất phát từ nhu cầu công tác và vì mong muốn giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam. Tôi muốn nói cho mọi người biết tôi là người Việt Nam và ở đây, hôm nay, đang có đại diện của một quốc gia mang tên Việt Nam. Khi tôi mặc áo dài nhiều người muốn đến nói chuyện với tôi hơn, cơ hội tiếp xúc, kết nối tăng lên, cơ hội quảng bá cho Việt Nam nhiều hơn.
Áo dài luôn là biểu tượng đẹp của văn hóa Việt Nam và là niềm tự hào của người Việt (Ảnh: Đức Quang). |
Áo dài cũng là điểm thu hút khi đề cập đến văn hóa Việt Nam. Trong một Triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN diễn tại Hà Nội vào tháng 10/2020, giữa muôn màu sắc của những trang phục truyền thống, chiếc áo dài ngũ thân của Việt Nam vẫn để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với khách tham quan trong và ngoài nước. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam khi đó là ông Ibnu Hadi đã nhận xét: Chiếc áo dài ngũ thân dành cho nam giới của Việt Nam đẹp và khác biệt, vừa tôn lên vẻ đĩnh đạc và lịch lãm của người mặc vừa mang tính hoài cổ.
Ở Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) có một không gian đặc biệt dành cho áo dài ngũ thân do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt khai trương. Đây là hành động thiết thực của những người yêu mến áo dài ngũ thân nam, tạo cơ hội cho công chúng, du khách được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những giá trị của trang phục áo dài truyền thống.
Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt và Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống nói: Ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến áo dài ngũ thân và có mong muốn quảng bá, lan tỏa nét đẹp của áo dài truyền thống. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với thế giới, giao lưu văn hóa trên toàn cầu ngày càng gia tăng thì việc khẳng định nét riêng biệt, độc đáo càng cần thiết. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từng nói: “Đi đến tận cùng truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng dân tộc sẽ gặp nhân loại”. Với áo dài của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng câu nói đó vô cùng phù hợp”…