Lần đầu tiên Việt Nam có tháng hành động bình đẳng giới
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tháng hành động sẽ có hàng loạt các hoạt động như Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Đối thoại chính sách với giới trẻ; Công bố kết quả nghiên cứu về thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; Ngày hội bóng đá - Giao lưu văn nghệ với chủ đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Ngày hội Howabnormal - Chung tay xóa bỏ định kiến giới; Chia sẻ kết quả của dự án Nam giới tiên phong tình nguyện trong chuyển đổi các chuẩn mực nam tính nhằm phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ; Hành trình xe bus và tranh biện dành cho thanh niên về không gian công cộng an toàn và thân thiện; nghiệm thu chương trình can thiệp Thành phố an toàn...
Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan liên quan cử một số đoàn kiểm tra liên ngành công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương; tổ chức 15 lớp tập huấn về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại các xã, phường, thị trấn có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; công bố hai báo cáo nghiên cứu về bạo lực trên cơ sở giới ở trường học và tài liệu hướng dẫn làm việc với nam giới gây bạo lực.
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Một nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2013 cho thấy, 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời của họ và có tới bảy trong mười phụ nữ phải đối mặt với tình trạng lạm dụng này ở một số nước.
Trên thế giới, hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước tuổi 15. Những cô gái kết hôn trước tuổi 18 ít có khả năng để hoàn thành việc học tập của mình và đồng thời có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình và những biến chứng khi sinh con.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy: 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ cho biết, đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời . Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.
Thông qua Tháng hành động này, ông Đàm hy vọng, chương trình sẽ tạo nên tác động mạnh mẽ, lan tỏa đến các tầng lớp trong xã hội, góp phần xóa bỏ bất bình đẳng giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng tiến bộ và phát triển bền vững.
Nam Yên