Lần đầu tiên có ứng dụng di động kết nối nữ thanh niên di cư với việc làm và nhà trọ an toàn
Với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng của một đất nước hơn 90 triệu dân như Việt Nam, nhu cầu tìm việc mưu sinh của người lao động là rất lớn, dẫn đến hiện tượng di cư ồ ạt đến các thành phố lớn như Hà Nội – nơi có thị trường lao động sôi nổi nhất cả nước.
Đi cùng lựa chọn di cư là những lo toan về công việc, nơi ăn chốn ở, khả năng thích ứng với môi trường mới của người lao động.
Những khó khăn này càng trở nên thách thức hơn đối với phụ nữ, đặc biệt là những nữ thanh niên tuổi đời từ 18 đến 30. Họ là những người trẻ, nhiệt tình nhưng lại thiếu thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và kinh nghiệm sống.
Đại biểu cùng nhau nhấn nút khởi động ứng dụng di động Hành trình an toàn.
Với nền tảng là một ứng dụng di động miễn phí, Hành trình an toàn hướng tới nhóm đối tượng là người di cư lên thành phố để tìm kiếm các cơ hội thay đổi cuộc sống và công việc.
Các chức năng chính của ứng dụng là kết nối thông tin về nhà trọ, việc làm và cung cấp các thông tin hữu ích cho cuộc sống an toàn nơi thành phố. Sản phẩm tạo ra một không gian kết nối linh hoạt giữa người thuê trọ và chủ nhà trọ, người tìm việc và người tuyển dụng, giúp họ tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức và đạt hiệu quả cao.
Ông Lưu Quang Đại, Giám đốc chương trình Plan International Việt Nam chia sẻ: "Việc phát triển App Hành trình an toàn nằm trong dự án Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội với mục đích tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ di cư ở khu vực thành thị. Với ứng dụng này, chúng tôi áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin để giúp đỡ các bạn lao động xa nhà, đặc biệt là phụ nữ trẻ, bớt đi nỗi lo về nhà trọ, việc làm và giúp các bạn có một cuộc sống an toàn và công việc ổn định hơn".
Theo ông Đại, App Hành trình an toàn linh hoạt cho phép người dùng sử dụng theo nhiều mục đích khác nhau, kết nối giữa doanh nghiệp – người lao động – chủ nhà trọ, giúp những nhóm đối tượng này tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức mà vẫn đạt được mục đích.
Cụ thể, doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng, tìm kiếm ứng viên. Chủ nhà trọ đăng tin quảng cáo nhà cho thuê với các thông tin cụ thể về địa chỉ, giá cả, hình ảnh thực tế. Người lao động tìm kiếm việc làm và nơi ở phù hợp và an toàn…
Thêm vào đó, App sẽ được thử nghiệm trong 4-6 tháng tại huyện Đông Anh. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả các phản hồi của người sử dụng và cải tiến sao cho phù hợp nhất với những người sử dụng. Sau đó, App sẽ được bàn giao lại cho đối tác tại địa phương quản lý. Nếu mô hình ở Đông Anh thành công thì có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Theo thông tin được chia sẻ tại buổi lễ khởi động, người dùng có thể truy cập vào trang thông tin https://hanhtrinhantoan.info để tải ứng dụng miễn phí từ Chợ ứng dụng App store và Google Play trên hệ điều hành iOS và Android có kết nối internet. Với giao diện được thiết kế đơn giản và thân thiện, các thao tác của người dùng trên ứng dụng được đảm bảo dễ dàng và nhanh chóng.
App Hành trình an toàn sẽ được chạy thử nghiệm từ tháng 1/2019 và liên tục được cập nhập theo ý kiến đóng góp từ những người dùng là người di cư, chủ nhà trọ, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức quan tâm.
App Hành trình an toàn được phát triển trong khuôn khổ dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên di cư tại Hà Nội” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia hỗ trợ thông qua Plan International.
Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” được thực hiện với mục đích tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ di cư ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng nghề, kỹ năng sống cho nữ thanh niên và phụ nữ (độ tuổi 18-30), tăng cơ hội việc làm bền vững (theo định nghĩa của Tổ chức lao động quốc tế ILO). Dự án cung cấp các kỹ năng mềm và kỹ năng nghề, giúp nữ thanh niên và phụ nữ di cư có cơ hội việc làm bền vững.
Dự án triển khai từ 2016 đến 2019 với sự tham gia của tổ chức Plan Internatonal Việt Nam, trường Trung học bán công Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Viện LIGHT và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tính đến hết năm thứ hai triển khai dự án, có 3.828 nữ thanh niên nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nhà trọ an toàn, sức khỏe sinh sản và tình dục, tiếp cận các dịch vụ xã hội tại nơi cư trú, chăm sóc con, cơ hội đào tạo và việc làm, v..v..; 614 nữ thanh niên đã tham gia các khóa đào tạo nghề, trong đó 227 nữ thanh niên đã chuyển sang công việc được đào tạo, có thu nhập ổn định, trong đó 3 học viên đã được hỗ trợ nâng cao tay nghề, trang bị kỹ năng, mở mô hình kinh doanh cho riêng mình.
Dự án đã huy động sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, các ban ngành địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức và chính các nữ thanh niên để cải thiện các chính sách, hướng tới môi trường làm việc ổn định và nhân văn.
Mai Anh