Làm sao hội nhập khi lãnh đạo hăng say đàm phán, công chức vô cảm, DN thờ ơ
Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Các đại biểu thảo luận và góp ý xung quanh báo cáo về kết quả phát triển kinh tế 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Các đại biểu cơ bản đều đánh giá cao bản báo cáo này của Chính Phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra thêm nhiều ý kiến xung quanh bản báo cáo này.
Tưởng sớm hoá rồng hoá hổ... thực thế lại khác
Trước Quốc hội, đại biểu Trần Khắc Tâm, Sóc Trăng nói chúng ta đang sống trong nguồn cảm xúc mang tên TPP khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương này vừa hoàn tất đàm phán.
“Chín năm trước, khi VN gia nhập WTO, tôi là một cử tri theo dõi các hoạt động của Quốc hội thì thấy rằng có nhiều phát biểu rất lạc quan, có người đã nghĩ là sau khi gia nhập WTO thì kinh tế VN có thể tăng trưởng 8-9% trong mười năm liên tiếp, VN có thể sớm hóa rồng, hóa hổ”. “Nhưng thực tế lại khác, những tác động bất lợi bên ngoài và yếu kém bên trong đã nhiều phen làm chúng ta lao đao. Sau khi gia nhập WTO, có những khoảng trống lớn về thể chế pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung; chúng ta cũng nhận ra đội quân hội nhập quá non nớt về cả tri thức kinh tế, thương mại toàn cầu, ngay đến ngoại ngữ là một công cụ giao tiếp trong hội nhập thì cũng rất kém…” - ông nói.
Ông cho rằng hội nhập, rồi đàm phán hàng loạt các hiệp định tự do (FTA) vẫn chỉ như là việc của riêng Chính phủ chứ không phải việc của doanh nghiệp, người dân và phần lớn bộ máy công chức. Và thật bất ngờ, doanh nghiệp - đội quân được coi là tiên phong trong hội nhập, thì một điều tra gần đây cho thấy có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và 60% được hỏi cho rằng AEC không ảnh hưởng đến mình.
"Điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập. Quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm. Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí sự chậm trễ vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn thôi cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân...
... Chúng ta không thể hội nhập thành công nếu như 63 tỉnh, thành trở thành 63 khu vực cát cứ, không có sự liên kết, phân công. Các đại biểu Quốc hội đã từng đề cập đến tình trạng “chỉ thị mồm” rằng phải sử dụng thép tỉnh nhà, xi măng tỉnh nhà, thì mới đây thậm chí người ta còn ký cả văn bản hành chính yêu cầu phải uống bia tỉnh nhà...
... Điều đáng lo ngại hiện nay là trong khi các nhà lãnh đạo cứ bày tỏ quyết tâm, các đoàn đàm phán cứ hăng say trên bàn đàm phán, còn cộng đồng doanh nghiệp thì đứng ngoài, người dân thì thờ ơ và bộ máy công chức (đặc biệt ở các cấp cơ sở) thì vô cảm...".
Và "thật xót xa, nếu như những nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong các cuộc gặp gỡ, đàm phán, các chuyến thăm nước ngoài phải tranh thủ giành lấy từng chút cơ hội, thuận lợi cho nước mình; nếu như lợi thế giành được của việc căng co từng câu từng chữ của các đoàn đám phán, bị bỏ phí, không được chuyển hóa thành những hợp đồng, những đơn hàng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và việc làm mới cho người lao động”.
Ông kiến nghị: “Để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào con người, con người và con người. Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập này”.
“Việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016, tôi đồng tình với báo cáo của Thủ tướng và báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã trình bày, là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy”.
Động lực tăng trưởng đến nay đã ở mức bão hoà
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, TP.HCM chỉ rõ chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài.
“Tôi kiến nghị thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nhà nước đầu tư đào tạo. Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học...
Đồng thời phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để tinh giảm bộ máy và rà soát, hợp lý hóa các đầu mối, hợp nhất các bộ phận tránh chồng chéo, tiết giảm chi phí bộ máy để có điều kiện nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả.
Ông Hòa cho rằng trong năm 2015 có hai thành tựu nổi bật: một là bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6,5%, bảo đảm thu ngân sách là thành công lớn; hai là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đã ký kết TPP, tạo cơ hội để VN cân bằng thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, “động lực tăng trưởng đến nay đã đạt mức bão hòa, các nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra những động lực mới, trong đó đặc biệt là động lực cải cách thể chế và khoa học công nghệ để mở ra chu kỳ mới phát triển về chiều sâu và phát triển bền vững”.
Ông cũng đề nghị đẩy nhanh tiến trình cổ phần hòa để huy động và phát huy tối đa động lực xã hội vào phát triển kinh tế, đồng thời giảm tải cho bộ máy nhà nước để bộ máy này không phải tập trung quản lý doanh nghiệp mà tập trung vào vai trò kiến tạo, tạo môi trường cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động.
Tập trung cải cách thể chế để việc tiếp cận nguồn lực được thực hiện với thủ tục đơn giản và chi phí thấp nhất. Đặc biệt là chúng ta phải quan tâm xây dựng những thể chế mới phù hợp với yêu cầu của quá trình thực hiện các cam kết quốc tế (việc thực hiện các cam kết, đặc biệt là TPP đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ về thể chế).
Có giải pháp phát triển mạnh mẽ lực lực doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, đây là lực lượng quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. Chúng ta phấn đấu 5 năm tới đưa lực lượng doanh nghiệp VN lên khoảng 2 triệu. Có chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tập trung hỗ trợ, xây dựng một số doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực quản trị hiện đại thuộc các thành phần kinh tế chứ không phải chỉ tập trung vào các tập đoàn nhà nước. Có những chính sách cụ thể, khả thi cao để thúc đẩy doanh nghiệp tập trung vào đổi mới công nghệ, đẩy nhanh áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Yêu cầu báo cáo Quốc hội việc xây tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại biểu Lê Nam - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thanh Hóa cho rằng việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều tỉnh, thành đi ngược lại với tâm nguyện của Bác lúc sinh thời.
Theo ĐB Lê Nam, trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu khi người qua đời thì hỏa táng, không tổ chức phúng viếng linh đình làm tốn kém thời gian, tiền bạc của nhân dân.
“Bác của chúng ta là như thế. Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”, ông Nam dẫn chứng, và so sánh thực tế: vừa qua Chính phủ đã cho làm nhiều tượng đài Bác Hồ, xây nhiều quảng trường “hoành tránh, tốn kém” và còn dự kiến tiếp tục xây dựng thêm tại nhiều địa phương.
Theo ĐB Lê Nam, đây là vấn đề cần được xem xét trong điều kiện ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn và “còn nhiều người thất học, nhiều người nghèo” cũng như “còn thiếu tiền để làm nhà cho các gia đình chính sách”.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân – Khánh Hòa đưa ra ý kiến cần làm rõ một số hạn chế, tồn tại. Đại biểu cho rằng về cơ cấu tổ chức máy nhà nước còn cồng kềnh, thủ tục hành chính phiền hà, việc thanh kiểm tra còn chưa quyết liệt… là những tồn tại trong nhiều năm chưa giải quyết được Hơn nữa gần đây, tâm tư nguyện vọng của người dân gửi đến Quốc hội càng nhiều, những kỳ họp trước chỉ 1.000 – 2.000 ý kiến nhưng kỳ này là 4.900 ý kiến. điều đó cho thấy những bức xúc của người dân ngày càng tăng, có những ý kiến tồn tại lâu không giải quyết. Việc khai thác tài nguyên còn kém, nhiều dự án cảng biển, khu đô thị, sân bay,… còn lãng phí. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác các tài nguyên đang bị quá mức, cần xây dựng kế hoạch khai thác hiệu quả, nếu khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Việc quản lý thu chi ngân sách còn nhiều bất hợp lý như chi thường xuyên cao, chi đầu tư thấp tình trạng gian lận trốn thuế còn phức tạp. Đại biểu Trần Hoàng Ngân - TP.HCM cũng đã đưa ra một số vấn đề bức xúc còn ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Ngân cũng đưa ra một số vấn đề nhiều đại biểu khác dành sự quan tâm như vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề nhiều cử tri bức xúc bởi việc sử dụng chất cấm còn rất tràn lan. Vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường nước cũng đang là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Vấn đề quy hoạch treo, cải cách hành chính tuy đã có cải thiện nhưng vẫn gây nhiều bức xúc cho cử tri. Hiện tượng quá tải bệnh viện tại các thành phố lớn hay vấn đề an ninh trật tự còn rất phức tạp, tội phạm giết người tăng cao… |
Tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Infonet