Lâm Đồng tích cực giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-SLĐTBXH ngày 13/01/2022 về triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống mua bán người năm 2022; Kế hoạch số 17/KH-SLĐTBXH ngày 07/4/2022 về việc tổ chức hội nghị tập huấn các quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.
Tội phạm mua bán người thường lợi dụng những khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào dân tộc để để tiếp cận và lừa bán sang nước ngoài
Công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người luôn được chú trọng và kịp thời, nhất là địa phương có nạn nhân bị mua bán và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã lồng ghép tổ chức tập huấn công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân cho 411 người là cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh và thành viên của 36 Đội công tác xã hội tình nguyện; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách của Đảng và nhà nước trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho 300 sinh viên Cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Nội dung tuyên truyền, tập huấn tập trung phổ biến về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động, mua bán người thông qua tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài, mua bán nội tạng, mang thai hộ vì mục đích thương mại; chính sách, pháp luật, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Tội phạm mua bán người thường lợi dụng những khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào dân tộc để để tiếp cận và lừa bán sang nước ngoài. |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển gửi cho các địa phương phát 30.000 tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Sửa chữa 01 panô tuyên truyền cổ động trực quan về phòng, chống mua bán người.
Mặc dù Lâm Đồng đã thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người song trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng có 10 nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài làm việc, bị cưỡng bức lao động trở về (09 nạn nhân bị lừa bán sang Camphuchia, 01 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương tiếp nhận, xác minh, xác định là nạn nhân. Cụ thể, huyện Đam Rông có 5 nạn nhân người đồng bào dân tộc Mông, cùng trú tại Tiểu khu 181, thôn 3, xã Liêng Srônh bị lừa qua Campuchia làm việc vào cuối tháng 7/2022, đó là Hoàng Seo Là sinh năm 2004, giới tính nam, Giàng Seo Phở sinh năm 2004, giới tính nam, Giàng A Thắng sinh năm 2005, giới tính nam, Giàng Seo Ó, sinh năm 2004, giới tính nam, Giàng Văn Mong, sinh năm 2004, giới tính nam. Các đối tượng này đã được lực lượng chức năng Campuchia giải cứu và trao trả tại Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh vào ngày 27/8/2022, Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận, đưa về địa phương, gia đình.
Huyện Bảo Lâm có 01 nạn nhân Nông Thị Mỹ Hoa, sinh năm 2007, ở thôn 7, xã Lộc Ngãi. Nạn nhân bị lừa qua Campuchia làm việc vào ngày 06/7/2022. Đến ngày 12/8/2022, nạn nhân được gia đình chuộc về với số tiền 3.500 USD.
Thành phố Đà Lạt có 02 nạn nhân là Trần Công Phúc, sinh năm 1994, ở 4C Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 2, Đà Lạt và Hồ Hà Vi, sinh năm 1996 ở 25/18 Hùng Vương, Phường 10, Đà Lạt bị lừa qua Campuchia làm việc vào đầu tháng 7/2022, được lực lượng Camphuchia trao trả tại Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh vào đầu tháng 10/2022, nạn nhân tự trở về gia đình..
Huyện Lâm Hà có 01 nạn nhân Nguyễn Văn Minh, sinh năm 2006, ở thôn Hoàn Kiếm, xã Nam Hà bị lừa qua Campuchia làm việc vào đầu tháng 7/2022, đầu tháng 8/2022, nạn nhân được gia đình chuộc về với số tiền 5.000 USD.
Tất cả nạn nhân được giải cứu, tự trở về đều không có nhu cầu lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nhà tạm lánh. Tuy nhiên, các ngành, đoàn thể tại địa phương đã kịp thời thực hiện hỗ trợ thiết yếu ban đầu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý tại gia đình cộng đồng… đã hòa nhập cộng đồng.
Theo đánh giá, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp tại Lâm Đồng, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi và xảo quyệt, sự cấu kết giữa các đối tượng trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài gây khó khăn trong công tác điều tra và giải cứu nạn nhân. Nạn nhân bị mua bán trở về đa số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuy nhiên kinh phí hỗ trợ như trợ cấp ban đầu, nhu cầu thiết yếu… còn thấp.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, người dân, nhất là người có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về; Xây dựng tài liệu truyền thông, xây dựng pano, áp phích, tờ rơi... về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán không còn phù hợp với thực tiễn.
Thực hiện công tác tiếp nhận, thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người tới tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; xử lý thông tin, tư vấn, chuyển tuyến các nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác.
Tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đưa người lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; phát hiện và xử lý nghiêm minh các hoạt động môi giới, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác hợp tác, trao đổi thông tin, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; Phối hợp với Công an tỉnh, các địa phương, đoàn thể, rà soát thống kê nạn nhân bị mua bán trở về; những người nghi bị mua bán nhưng chưa trở về địa phương; tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.