Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đồng loạt tăng giá
Tại báo cáo cập nhật lãi suất tháng 8/2018 vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, trong 6 tuần gần đây, lãi suất liên ngân hàng có diễn biến trồi sụt với biên độ tăng/giảm rất mạnh.
Đáng chú ý là kể từ đầu tháng 8 đến nay, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao, quanh mức 4,5%/năm cho hầu hết các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng. Mức lãi suất này là cao nhất kể từ cuối năm 2016 đến nay.
Theo quan sát của BVSC, Những căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng đã lan tỏa sang thị trường huy động vốn từ dân cư. Hàng loạt các ngân hàng như Bản Việt, SHB, Techcombank, Vietbank... điều chỉnh biểu lãi suất với mức điều chỉnh từ 0,1 - 0,3%, tùy từng kỳ hạn.
Về cơ bản, BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, tuy nhiên mức tăng sẽ được giới hạn ở mức thấp.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng từ nay đến cuối năm dự báo tăng nhẹ. Ảnh minh họa: KT.
Đánh giá về diễn biến lãi suất ngân hàng trong 8 tháng năm 2018, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, 8 tháng qua, tình hình lãi suất huy động cũng như cho vay tương đối ổn định. Mặc dù không có sự liên thông chặt chẽ giữa thị trường 1 (thị trường mà các ngân hàng huy động vốn từ người dân) và thị trường 2 (thị trường mà các NH giao dịch cho vay với nhau) nhưng lãi suất cao trên thị trường 2 cũng phần nào tác động đến mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Trên thị trường 1 lãi suất huy động thời gian gần đây cũng có xu hướng tăng tại các ngân hàng vừa và nhỏ. Các ngân hàng lớn thì lãi suất ổn định hơn, nếu có tăng thì chỉ tăng nhẹ.
Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên được điều chỉnh tăng từ 6,4% lên 6,5%. Tại BIDV, từ ngày 3/9, ngân hàng này điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng với mức tăng 0,2% lên 4,3%, trong khi kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1% lên 6,8%.
Tại ngân hàng Vietinbank, từ ngày 5/9, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,3%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,8%. Ngoài ra, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,3%.
Tương tự, Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn.
Ở khối NHTMCP, biểu lãi suất tiết kiệm trong tháng 9 khá hấp dẫn với mức trên 8%/năm. Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong nhóm NHTMCP thuộc về VietCapital Bank với mức 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Eximbank đứng ở vị trí thứ nhì khi niêm yết lãi suất tiết kiệm ở mức 8%/năm cho kỳ hạn 24 và 36 tháng…
Lãi suất ngân hàng đồng loạt tăng giá trong những tháng cuối năm, Ảnh minh họa: KT.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng lãi suất có nguyên nhân từ các yếu tố: các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn từ nay đến cuối năm để đáp ứng chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, chỉ số này sẽ được kéo từ 45% hiện nay xuống 40% áp dụng vào năm 2019. Vì thế các ngân hàng đang có xu hướng tăng huy động cho các khoản trung hạn và dài hạn để đáp ứng chỉ tiêu 40% được áp dụng vào đầu năm tới.
Một điều nữa tác động đến mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng nhẹ lúc này là lạm phát kỳ vọng trong năm nay cũng đang ở xu hướng tăng, khách hàng tiền gửi đòi hỏi mặt bằng lãi suất tăng để đáp ứng lạm phát kỳ vọng đang theo hướng tăng trong lúc này.
Cùng với đó, tỷ giá VNĐ/USD cũng đang chịu áp lực tăng, việc duy trì lãi suất huy động cao nhằm hạn chế việc khách hàng rút tiền tiết kiệm VNĐ để mua USD với mục đích găm giữ kiếm lời khi tỷ giá tăng. Những yếu tố đó cũng tạo ra áp lực lên lãi suất, đẩy lãi suất lên cao.
Vì những yếu tố đó mà một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên. Không chỉ tăng lãi suất, nhiều nhà băng còn tung ra nhiều "chiêu" khác để thu hút người gửi tiền như, cộng thêm lãi suất, tặng quà, khuyến mãi…
Có cùng nhận định, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, những diễn biến của lãi suất ngân hàng trong thời gian qua phù hợp với quan hệ cung cầu của thị trường Việt Nam và cũng đi theo xu thế chung của thế giới là lãi suất trên thế giới tăng có tác động đến lãi suất trong nước.
“Từ nay đến cuối năm, xu thế của lãi suất ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng sẽ diễn biến ổn định như 8 tháng qua, đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN rằng, lãi suất luôn duy trì ở mức ổn định kể cả trong bối cảnh áp lực lạm phát có tăng lên, lãi suất đầu vào có phần nhích lên”, ông Cấn Văn Lực cho hay
N.H (t/h)