Lãi suất không những không giảm mà lại đang có xu hướng tăng lên
Thị trường đang kỳ vọng rất nhiều vào khả năng lãi suất sẽ giảm xuống
Diễn biến của thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua khiến cho cả nền kinh tế đang kỳ vọng vào khả năng mặt bằng lãi suất sẽ giảm xuống trong thời gian sắp tới. Đó là việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống mức rất thấp kể từ đầu quý 2 đến nay, lãi suất cho vay qua đêm (O/N) hiện chỉ dao động trong khoảng 0,7-1%/năm. NHNN đã liên tục mua được gần 3 tỷ USD của các ngân hàng từ đầu năm đến nay, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 60 nghìn tỷ được bơm ra thị trường hay một khối lượng lớn vốn FII và FDI đang được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam…Nhờ vậy, tỷ giá được duy trì ở mức ổn định trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động.
Trước diễn biến đó, NHNN cũng đã có động thái nhằm tạo định hướng cho thị trường thông qua việc hạ các mức lãi suất điều hành 0,25% và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND cho một số đối tượng trong lĩnh vực ưu tiên 0,5%…
Tuy nhiên, lãi suất không giảm mà lại có xu hướng tăng lên
Theo tìm hiểu của tác giả thì một số ngân hàng mặc dù niêm yết lãi suất huy động chỉ vào khoảng 4,8-5%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, thấp hơn nhiều so với mức trần 5,5%/năm theo quy định của NHNN nhưng sẽ trả thêm lãi suất khi khách hàng trực tiếp đến quầy giao dịch, hay sẽ áp dụng hình thức cộng thêm lãi suất khi khách hàng gửi tiết kiệm online. Mức lãi suất cộng thêm sẽ càng lớn áp dụng cho các khách hàng mới và với số tiền lớn. Đáng chú ý khi diễn biến này lại đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây và đi ngược lại hoàn toàn với kỳ vọng của cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng nhỏ vẫn đang phải huy động với lãi suất kịch trần 5,5%/năm áp dụng cho ngay cả các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, còn đối với kỳ hạn 6 tháng thì một vài ngân hàng con chấp nhận trả lãi suất tới 7-7,5%/năm. Với diễn biến này thì xem ra kỳ vọng vào mặt bằng hạ lãi suất giảm xuống sẽ chưa thể diễn ra trong thời gian ngắn phía trước.
Vì sao?
Lý do đầu tiên và cũng được xem là quan trọng nhất, đó là thanh khoản của hệ thống mặc dù đang rất dồi dào nhưng lại rất không đồng đều giữa các nhóm ngân hàng. Câu chuyện này không chỉ diễn ra trong năm nay mà là vấn đề đã tồn tại mang tính chất hệ thống. Và đây là lý do giải thích vì sao lãi suất trên thị trường 1 và 2 ở Việt Nam lại không có mối quan hệ rõ ràng. Trong khi đó, ở thị trường các nước trên thế giới thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại là chỉ báo và có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các loại lãi suất trên thị trường tiền tệ. Do vậy, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng NHNN cần sớm có những giải pháp riêng và quyết liệt nhằm cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.
Thực tế, trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Quyết định số 1058 vừa được Chính phủ thông qua ngày 19/7/2017 thì NHNN cũng đã có bước đi cụ thể đầu tiên. Theo đó, NHNN sẽ chỉ định một công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán toàn bộ các TCTD. Trên cơ sở đó chia hệ thống thành 2 nhóm, nhóm lành mạnh và nhóm chưa lành mạnh. Nhóm chưa lành mạnh sẽ bị kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn so với các TCTD khác.
Ngoài ra, còn có một vài nguyên nhân khác khiến cho ngay cả các ngân hàng lớn cũng tăng lãi suất huy động thay vì giảm. Nhóm các ngân hàng này tăng lãi suất để giữ thị phần và gia tăng số lượng cơ sở khách hàng. Họ có thể chấp nhận trả chi phí huy động cao hơn một chút nhưng bù lại, ngân hàng sẽ tiến hành bán thêm các sản phẩm khác cho khách hàng, điển hành là thẻ tín dụng, gói tài khoản thanh toán…
Thực trạng trên không chỉ diễn ra đối với các khoản tiền gửi bằng VND mà còn diễn ra đối với cả tiền gửi bằng ngoại tệ (USD). Tuy nhiên, vì trần lãi suất tiền gửi bằng USD hiện nay đang được áp trần ở mức 0% nên chỉ khi khách hàng có một số lượng lớn USD và chấp nhận sử dụng các sản phẩm khác để được ngân hàng bù thêm một phần lãi suất qua các sản phẩm đó.
Với diễn biến trên thì xem ra rất khó để NHNN có thể hạ được mặt bằng lãi suất trong thời gian ngắn phía trước nếu không muốn lại phải áp dụng các biện pháp hành chính như đã từng làm trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu tất cả các vấn đề trên không được giải quyết thì hiện tượng lách trần lãi suất lãi lại tái diễn…và cái vòng luẩn quẩn về lãi suất sẽ chưa được NHNN giải quyết một cách triệt để.
Ngọc Khanh