Kỳ họp Quốc hội thứ 7 sắp tới sẽ bàn những vấn đề gì?
Cho thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội với ông Lê Đình Nhường Ủy ban Tư pháp Quốc hội yêu cầu báo cáo các vụ xâm hại tình dục trẻ em Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 tại phiên họp thứ 33 (tháng 4/2019) vừa qua |
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa gửi văn bản mời các vị đại biểu Quốc hội về dự kỳ họp 7.
Ông Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, khai mạc vào ngày 20/5/2019 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/6/2019.
Theo Tổng thư ký, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp. Trong đó, đã điều chỉnh một số dự án, dự thảo so với nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Cụ thể, rút 3 dự án luật để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết được bổ sung vào chương trình. Gồm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp).
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (trình Quốc hội cho ý kiến).
Ông Phúc đề nghị các vị đại biểu sớm gửi câu hỏi chất vấn, đề xuất nhóm vấn đề cần được Quốc hội tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ 7 đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai, theo nghị quyết của Quốc hội, dự án luật này thuộc chương trình năm 2019 (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8). Tại phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua Chính phủ đề nghị rút ra khỏi chương trình năm 2019 nhưng chưa rõ thời gian sẽ trình.
Một số vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý cần có thêm thời gian để đánh giá kỹ hơn tác động của việc sửa luật này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý không phải là lùi vô thời hạn mà đề nghị Chính phủ phải tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai thời gian qua và đánh giá tác động của việc ban hành những chính sách mới trong bộ luật này đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đưa vào chương trình 2020.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, các cơ quan hữu quan cũng gửi các đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu các báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (nếu có); báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước; Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội năm 2018 và báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2018 và các báo cáo khác. |