Kỳ 3: Tận thấy 'người tiền sử'
Cứ có dịp là họ lại trở về hang đá, sống hoang dã giữa trùng điệp núi rừng như cách tiếp thêm linh khí trời đất và lưu giữ truyền thống cha ông.
Nơi ở của ông bà Đinh Nê khá nhiều đồ đạc nhưng được sắp xếp gọn gàng
Tìm “người tiền sử”
Đêm ở rừng xuống rất nhanh, nhưng cũng không quá u tịch, tiếng côn trùng rả rích, tiếng nai tác xa xăm, tiếng gà rừng điểm canh chờ sáng. Trên chiếc võng đung đưa ngắm mảnh trăng rừng mờ ảo, già làng Đinh Rầu chậm rãi kể về tộc người A Rem. Ông nói: A Rem là một tộc người nguyên thủy bản địa còn sót lại, có tiếng nói riêng, cư trú giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. A Rem có nghĩa là rèm đá, hốc đá, nhằm định danh cho một tộc người có cuộc sống luôn gắn liền với hang đá.
Người A Rem chọn một hang đá làm nhà chính, còn lại tất cả các hang động trong vùng đều là nơi trú ngụ của họ. Họ đi kiếm ăn suốt ngày trong rừng, mệt đâu là vào hang nghỉ đó, tối đâu là vào hang qua đêm ở đó. |
Người A Rem vốn tính rất nhút nhát, sống biệt lập, không thích giao du với bên ngoài. Cứ gặp người lạ là chạy trốn vào hang. Trước khi được bộ đội biên phòng phát hiện vào năm 1956, người A Rem gần như không biết đến thế giới văn minh, sống hoang dã, tự sinh, tự diệt giữa đại ngàn Trường Sơn. “Nhà” của người A Rem là quần thể các hang động thẳm sâu giữa khối núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng mà ngày nay nổi tiếng trên toàn thế giới như: Sơn Đoòng, Thiên Đường, hang Én, hang Va...
Mặt trời chưa ló dạng, chúng tôi buộc phải thức giấc vì tiếng gọi của rừng xanh mỗi sớm mai: Chim chóc hót líu lo ngay đầu cánh võng, thú rừng hú hét gọi bầy... Một bữa sáng toàn những sản vật của rừng đã được những người anh em A Rem chuẩn bị từ lúc tờ mờ sáng. Trong bữa cơm, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư chi bộ xã Tân Trạch nói vừa đùa vừa thật: “Sáng nay mới vào việc chính của chuyến đi là tìm những người anh em A Rem đang sống ở đây. Ở xã thì cán bộ Sỹ là lãnh đạo, còn vào đến đây, già làng Đinh Rầu lãnh đạo, mọi người phải răm rắp nghe theo không được cãi lời đâu nhé”.
Già làng Đinh Rầu tiếp lời: “Xung quanh đây có mấy nhà, nhưng chúng ta phải tìm nhà của ông bà Đinh Nê, Y Rú ở hang Khe Chim thôi”.
Thì ra Khe Chim có hai hang, Khe Chim thấp và Khe Chim cao, nằm sâu trong vách núi bên suối Khe Chim. Già làng Đinh Rầu lên trước dẫn đoàn. Ông chỉ tay lên hang đá cách mặt suối chừng 20m, nói đó hang Khe Chim thấp. Chúng tôi háo hức vượt suối, vượt cợp đá tai mèo bám theo già làng Đinh Rầu. Đây là cái hang cạn, có hai cửa. Một bếp lửa nguội lạnh, một mảnh lưới bắt cá đã khô cong, chỉ dấu cho thấy chủ nhân của hang động này không có mặt ở đây cả tuần nay.
Thấy sự thất vọng của chúng tôi hiện rõ trên mặt, già làng Đinh Rầu chỉ tay lên lưng chừng vách núi, cách chỗ chúng tôi chừng 200m nói: “Nhà của ông bà Đinh Nê ở trên kia, còn đây là nhà của bọn trẻ. Mùa này là mùa lấy mật ong, nên bọn nó đi suốt, không ở nhà đâu”.
Tai ù, chân run khi cố trèo lên hang Khe Chim cao, chúng tôi không khỏi thắc mắc, vì sao ông bà già rồi không chọn những hang thấp để tiện đi lại, mà chọn hang chót vót lưng chừng trời này? Già làng Đinh Rầu chỉ tay về phía suối Khe Chim nói: “Bình thường nhìn nó rứa, nhưng khi có mưa to là nước ở đây dâng lên cả trăm mét. Ông bà Đinh Nê già rồi nên phải chọn chỗ cao”.
Trò chuyện cùng “người tiền sử”
Khe Chim cao là một cái hang rộng gần 100m2, chủ nhân cũng không có mặt. Già làng Đinh Rầu cho tay vào bếp lửa giữa hang, ông giật mình rụt tay lại, ngẩng mặt lên cười: “Bếp vẫn còn than, chắc vợ chồng nhà ni loanh quanh đây thôi!”.
Già làng Đinh Rầu giới thiệu một chiếc bẫy chuột gần nơi trú ngụ của ông bà Đinh Nê
Không gian của cái hang chứa khá nhiều vật dụng nhưng được sắp xếp rất gọn gàng. Có một chiếc cối gỗ, hai cái chày, xoong nồi, quần áo... Cách mặt hang chừng hai mét là một cái sạp làm bằng cây rừng treo lơ lửng sát trần hang, đựng rất nhiều sản vật của rừng mà ông bà hái lượm được: ngô rẫy, lúa rẫy, hoa trái và cây cỏ hình như dùng để nấu nước uống và chữa bệnh. Chúng tôi cũng đã từng vào hang của người Rục nhưng không được ngăn nắp và sạch sẽ như ở đây. Ông Sỹ cho biết, người A Rem ăn ở rất sạch sẽ, họ luôn chọn chỗ cao ráo để ở và cái sạp treo lơ lửng kia cũng là nơi ông bà trèo lên nằm mỗi đêm.
Trong khi chúng tôi như đang lạc vào thế giới cổ xưa nhất, từ phía ngoài hang, có tiếng người nói mỗi lúc mỗi gần. Phía dưới, ông bà Đinh Nê, Y Rú đen nhẻm, trên người chỉ có chiếc khố rách bươm chống gậy về hang. Nhác thấy bóng người lạ trong “nhà” đang cầm cái gì đen thui nheo nheo mắt hướng về phía mình (máy ảnh), nhanh như cắt, ông bà biến mất vào hẻm đá. Dường như hiểu ý, già làng Đinh Rầu vơ vội hai bộ áo quần treo ở vách đá mang ra và họ thì thầm trò chuyện với nhau bằng tiếng A Rem khá lâu.
Già làng Đinh Rầu quay trở lại thông báo, ông bà không muốn gặp người lạ và muốn bỏ đi. Như hốt hoảng, ông Sỹ nắm tay kéo già làng Đinh Rầu quay trở lại phía ông bà Đinh Nê. Không biết 4 người họ nói với nhau những gì, nhưng ông Sỹ thông báo, chúng tôi phải cất hết điện thoại, máy ảnh ông bà mới chịu vào. Ông bà rất “dị ứng” với hai thứ đó, vì cho rằng đó là những thứ ma quái biết nói tiếng người, biết làm tia chớp như thiên lôi. Bởi trong một lần ra bản, ông bà đã bắt gặp và khiếp sợ cho đến nay.
Mặc dù chúng tôi đã cất điện thoại vào túi quần, máy ảnh vào túi xách nhưng ông bà vẫn sợ hãi, hai tay bấu vào áo ông Sỹ lấm lét đi vào. Vừa vào đến cửa hang, bà Y Rú chạy tót vào một ngách đá tối om trong hang trốn, còn ông Đinh Nê cứ cầm áo ông Sỹ không chịu rời. Ông Sỹ nhanh trí mang số rượu đoác còn lại ra mời ông Đinh Nê, gợi mãi ông mới tiếp chuyện.
Nói tiếng Kinh lơ lớ, ông Đinh Nê cho biết: Ông bà vừa đi thăm bẫy về nhưng không có con chuột nào mắc bẫy (loài chuột lô ô có thịt rất ngon). Ông bà cũng được Nhà nước cấp nhà cho ở bản nhưng lại thích ở hang đá hơn. Đặc biệt, bà Y Rú cứ mỗi lần về bản là lăn ra ốm, thuốc thang không khỏi, nhưng chỉ cần quay lại hang lại khỏe mạnh bình thường.
Khi được hỏi, có áo quần sao không mặc mà lại mặc khố rách bươm như vậy? Ông Đinh Nê bộc bạch: “Mang rứa cho mát. Ở đây có ai thấy mô mà sợ. Áo quần đẹp cán bộ Sỹ cho chỉ mang khi về bản thôi”. Ông Đinh Nê cho biết thêm: Mặc dù ở hang nhưng thi thoảng ông bà vẫn về bản thăm bà con, nhận hàng cứu trợ. Lúc nào không về được, thì ông Sỹ lại mang vào hoặc gửi người đi rừng mang vào. Ở đây ông bà cũng hái lượm được nhiều thứ, rồi còn trồng được ngô, lúa trên rẫy nên không lo bị đói.
Già làng Đinh Rầu kiểm tra bếp lửa để biết chủ nhà mới đi hay đã đi lâu ngày
Qua câu chuyện chúng tôi được biết, ông Đinh Nê năm nay 65 tuổi, còn bà Y Rú đã 80 tuổi. Cặp vợ chồng này được tác hợp bởi tục nối dây của người A Rem. Bà Y Rú là vợ của Đinh Đe, anh trai Đinh Nê. Năm 1994, ông Đe mất và theo luật tục, ông Nê phải lấy bà Rú lúc đó đã có 7 người con làm vợ. Mặc dù không có con với nhau nhưng ông bà sống rất hạnh phúc, đi đâu cũng không rời nhau nửa bước.
Ông Sỹ ghé tai tôi nói nhỏ: “Bà Y Rú già rồi nhưng ghen thì vô địch thiên hạ. Sợ ông Đinh Nê còn sức trẻ ra ngoài léng phéng nên đi đâu bà cũng đi theo là vậy. Mỗi lần không tìm thấy ông Đinh Nê đâu là bà đến đập cửa phòng Bí thư rầm rầm, bắt đền cán bộ Sỹ. Thế là Bí thư phải cùng bà rọi đèn pin đi tìm. Lúc thì bắt gặp ông ấy say khướt ngủ bên vệ đường, khi thì một hang đá nào đó. Việc không về bản định cư của ông bà, ngoài tập tục thích sống ở hang đá, thì nguyên nhân chính là do bà Y Rú sợ ông Đinh Nê léng phéng với người khác ở bản”.
Thấy ông Đinh Nê không còn cảnh giác mấy, tôi rón rén lấy điện thoại từ túi quần ra định chụp mấy kiểu ảnh, ông Sỹ nhìn thấy ra hiệu không được. Và cho biết: Người A Rem rất giữ chữ tín, nếu đã hứa với họ rồi thì phải thực hiện. Nếu ông bà phát hiện ra mình chụp ảnh, nhẹ thì ông bà rời bỏ hang đá đi tìm nơi ở khác, nặng hơn ông bà sẽ căm thù, tìm cách làm hại, vì người A Rem đang lưu giữ nhiều phép thuật kỳ bí khó giải thích.
(Còn nữa)
Theo Tiền Phong