Kinh tế Việt Nam năm 2020: Thành công và những việc cần làm
- Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về nền kinh tế của Việt Nam trong năm qua?
Trong năm 2020, cách mà nền kinh tế Việt Nam đối mặt với COVID-19 là điều khiến tôi quan tâm hàng đầu. Thống kê cho thấy, dịch bệnh đã khiến 30 triệu người Việt Nam phải hứng chịu với những thiệt hại và những khoản vay khó trả, ngành công nghiệp thiệt hại 6,3%, ngành may mặc là 16%. Những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh đã khiến tỷ lệ nợ công của Việt Nam tăng. Nếu so sánh với tỷ lệ nợ công năm 2020 của nhiều nước khác như Hy Lạp, Ý, Đức..., thì ở Việt Nam không quá tệ nhưng vẫn là một hiện thực cần cải thiện.
Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý là tỷ lệ lạm phát ở mức 3,96% so với 2020 và việc Chính phủ Mỹ cáo buộc Việt Nam trong việc thao túng tiền tệ. Theo tôi đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý trong năm tiếp theo.
Về chính sách thương mại, cá nhân tôi và Viện FNF quan tâm đến những hiệp định thương mại tự do. Năm 2020 Việt Nam đã ký kết những hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới kể trên, đặc biệt là EVFTA là điều đáng chú ý bởi chúng được thiết kế cho Liên minh Châu Âu hợp tác với các nước phát triển. Vì vậy có thể thấy đây là kinh tế Việt Nam được đánh giá cao và Hiệp định này hứa hẹn mang lại lợi thế cho cả Việt Nam và EU.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương cũng là vấn đề rất đáng quan tâm của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Việt Nam hướng tới kinh tế thị trường. Đây là một trong những điểm mạnh của Việt Nam, vì vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh kinh tế giữa các địa phương với nhau từ đó tạo ra sự phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, các địa phương ngoài sự cạnh tranh còn có sự học hỏi giữa lãnh đạo địa phương để các bên cùng phát triển.
Một ví dụ cụ thể cho địa phương có năng lực cạnh tranh là Huế và Bắc Ninh. Huế là thành phố phát triển năng động về đô thị thông minh và số hóa. Còn Bắc Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương ở top đầu trong cả nước, có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Khi cùng tham gia một hoạt động dự án của Viện Friedrich Naumann gần đây, lãnh đạo hai tỉnh này đã có dịp chia sẻ các kinh nghiệm để giúp nhau cùng phát triển.
Bản thân tôi đã quan sát Việt Nam từ năm 2009 khi làm việc tại đây trong lĩnh vực ngân hàng. Từ thời điểm đó tôi thấy rằng đất nước của các bạn có quá nhiều sự thay đổi, không chỉ theo từng năm mà thậm chí là từng tháng về nhiều mặt như cơ sở hạ tầng, kinh doanh hiệu quả và tư duy lãnh đạo. Nhờ đó mà Việt Nam đã trở thành một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, kinh tế Việt Nam cũng có một số mặt hạn chế cần phải khắc phục.
- Bên cạnh tiềm lực và kết quả tích cực, theo ông kinh tế Việt Nam hiện còn những hạn chế gì và cách khắc phục?
Việt Nam đã đạt được nhiều thành công không chỉ trong năm vừa qua mà còn từ nhiều năm trước, nhưng nền kinh tế của các bạn luôn có những điểm yếu. Cụ thể: Năm 2020 vốn đầu tư nước ngoài FDI đã giảm 18,9% từ đầu năm đến tháng 9. Và giải pháp để có thể cải thiện mặt hạn chế này là Việt Nam cần phải trở thành quốc gia đi tiên phong khu vực và trở thành đối thủ cạnh tranh rất mạnh tại Đông Nam Á trong việc thu hút đầu tư. Trên thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia gặp khó khăn về tài chính, vì vậy việc lựa chọn điểm đến cho nguồn vốn đầu tư sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn nhiều so với trước đây. Chính vì thế Việt Nam cần có những chính sách thu hút đầu tư và chủ động trong việc cạnh tranh với các nước thu hút đầu tư mạnh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Một hạn chế khác là tỉ lệ nợ khó trả đang tăng cao. Vì vậy Việt Nam cần cẩn thận trong việc lựa chọn đối tượng cho vay nợ và mở rộng trần tín dụng của các ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn kích thích nền kinh tế nhưng không gặp phải những khoản nợ với nhiều rủi ro.
Một hạn chế nữa là tính minh bạch của trái phiếu và thị trường chứng khoán. Giải pháp cho vấn đề này là cần thiết lập một tổ chức độc lập để xếp hạng tín nhiệm như lời khuyên của Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng tại Việt Nam và Mỹ.
Ngoài ra, một khó khăn của Việt Nam hiện nay là cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Theo tôi, giải pháp cho vấn đề này là Việt Nam cần tạo ra thế đứng giữa, với thái độ khách quan và cân bằng như Liên minh Châu Âu.
Một vấn đề cũng rất đáng lưu tâm là môi trường, đặc biệt là chất lượng không khí của các thành phố, xử lý rác thải và nước thải.
Tuy nhiên, tôi thấy lạc quan và cho rằng Việt Nam có thể xử lý của các vấn đề này. Đây không chỉ là ý kiến của riêng cá nhân tôi mà còn là của cả cộng đồng doanh nhân Đức tại Việt Nam.
Tháng 8/2020, một khảo sát dành cho các doanh nhân Đức trên toàn cầu đã được thực hiện. Kết quả khảo sát đối với cộng đồng doanh nhân Đức tại Việt Nam cho thấy: 55% số người được khảo sát cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại sẽ có những cải thiện trong 2021 và 32% trong năm 2022. Đó là những con số rất lạc quan.
Đặc biệt, có tới 91% trong đó tin rằng doanh nghiệp của họ có thể tiếp tục phát triển hoặc duy trì tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thứ hạng và thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong năm 2020?
Nhiều bạn bè trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu đã ghen tỵ với tôi vì ở Việt Nam mọi người vẫn có thể tự do đi ăn tại các nhà hàng, đến các trung tâm giải trí, đi nhà thờ hay đền chùa… trong khi đó họ đang phải chịu cách ly vì đại dịch. Đó là thành công lớn của Việt Nam và cũng là điều khiến bạn bè quốc tế ghi nhận khi nhắc tới đất nước của các bạn.
Việt Nam là một trong những đất nước đã đối phó với đại dịch COVID-19 xuất sắc nhất thế giới. Đây cũng là một trong những lý do giải thích cho việc Việt Nam nằm trong top đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới.
Đất nước các bạn đã từng phải trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế còn tệ hơn nhiều, và lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam có thể mạnh mẽ vượt qua.
Tôi cho rằng thứ hạng và thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã được thể hiện qua sự thành công trong việc phòng chống COVID-19 thời gian vừa qua và các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng chứ chưa cần những con số hay thứ hạng như trong một cuộc thi hoa hậu hay bất kỳ cuộc thi nào khác.
- Xin cảm ơn ông!
Đại hội XIII: Phát huy lợi thế kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Theo đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, từ Đại hội XIII, kinh tế biển sẽ xác định mục tiêu: “Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu và thiết thực.” |
Nikkei Asia: Kinh tế Việt Nam "thăng hoa" nhờ khống chế thành công COVID-19 Phóng viên Lien Hoang của tờ Nikkei Asia đã có bài phản ánh khá đậm nét về một Việt Nam an toàn, kiên cường, và khát khao tiến lên phía trước. |
Phóng viên nước ngoài tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 Ngày 15/01/2021, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có buổi gặp gỡ thường niên với phóng viên, trợ lý các văn phòng báo chí quốc tế thường trú và tùy viên văn hóa, báo chí, đại diện các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam nhân dịp năm mới 2021. |