Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xăng xuống còn 10%
Tiền Phong ngày 5/5 đưa tin Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có công văn báo cáo và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
VINPA cho rằng, theo cam kết, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết với các nước (với xăng là 20% nhập từ ASEAN và 10% nhập từ Hàn Quốc, các mặt hàng dầu thuế lần lượt 0% và 5%).
Sau vụ việc “lỗ hổng thuế , doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ”, từ 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diesel và 0% đối với dầu hỏa và mazut. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh việc áp dụng mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở như trên vẫn còn bất cập.
Cụ thể, luôn phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đồng thời tạo sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán xăng dầu…
Để khắc phục những bất cập trên, VINPA đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Bởi, mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu. Do vậy, Hiệp hội đề nghị lấy mức thuế này để tính giá cơ sở.
Việc giảm thuế theo đề xuất của Hiệp hội Xăng dầu có thể làm giảm thu ngân sách ở khâu nhập khẩu. Do đó, Hiệp hội Xăng dầu đã “hiến kế”, cần tăng thu thuế nội địa, cụ thể là với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,… Riêng thuế bảo vệ môi trường, Hiệp hội đề nghị tiếp tục áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường ở khâu bán ra, có nghĩa tính vào giá bán cho người tiêu dùng.
Liên quan tới công tác điều hành giá xăng dầu, trao đổi với Dân trí mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, cách tính bình quân gia quyền đối với các mức thuế nhập khẩu xăng dầu trước mắt sẽ khắc phục được bất cập hiện nay trong bối cảnh tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau do các cam kết hội nhập quốc tế và sẽ hài hòa lợi ích hơn cho người tiêu dùng
Ông Tuấn cũng khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đảm bảo công khai, minh bạch và phản ánh được diễn biến giá xăng dầu thế giới. Theo đó, người tiêu dùng giám sát được quyết định giá của doanh nghiệp cũng như giá cơ sở do cơ quan điều hành công bố.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị trao đổi với Bộ Công Thương để có công văn đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, nội dung về thuế nhập khẩu xăng dầu gây tranh cãi trong thời gian qua cũng được đề nghị sửa đổi.
Tuy nhiên, trong công tác điều hành dường như vẫn tồn tại sự bất nhất giữa 2 cơ quan quản lý là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, cụ thể là trong việc sửa Nghị định 83 về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có cho biết: "Bộ Công Thương không muốn sửa vì cơ bản, họ vẫn thấy là tốt. Tuy Bộ Tài chính có vẻ như muốn sửa”.
T.H