Khủng hoảng Hy Lạp: Athens hứa sẽ nhượng bộ
Trong đề xuất mới nhất, Hy Lạp mong muốn nhận được gói cứu trợ 53,5 tỷ euro để giúp trang trải các khoản nợ từ bây giờ đến năm 2018 và “tái cơ cấu” các khoản nợ dài hạn khác. Đổi lại, Athens chấp thuận yêu cầu bãi bỏ việc giảm thuế cho các quần đảo của nước này - nguồn thu của công nghiệp du lịch, và tăng đánh thuế các công ty vận chuyển.
Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính khối EU xác nhận đã nhận được văn bản từ phía Hy Lạp. Tuy nhiên, ông sẽ không đưa ra lời bình luận nào cho đến khi các chuyên gia từ Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá xong.
Trong ngày hôm nay, chính phủ cánh tả Hy Lạp sẽ yêu cầu các nhà lập pháp nước này trao quyền để thương lượng một danh sách các “hành động ưu tiên” - được thực hiện trước khi bất kỳ một khoản viện trợ mới được giải ngân. Đây là một bước quan trọng để thuyết phục những người cho vay còn đang hoài nghi về ý định nghiêm túc của Hy Lạp.
Hy Lạp đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp từ châu Âu. (Ảnh minh họa)
Thủ tướng Tsipras cùng với nội các đã dành cả ngày để soạn thảo một gói biện pháp có ảnh hưởng tới tồn vong của Hy Lạp trong Eurozone. Nếu các nhà lãnh đạo EU đồng ý, một cuộc bỏ phiếu tiếp sau đó cần được thiết lập để luật hóa gói biện pháp này. Chúng cũng là cơ sở để bắt đầu đàm phán về một khoản vay trong 3 năm và đưa ra các gói cứu trợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên, người đứng đầu các đồng minh của ông Tsipras, cùng với Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis đã không ký vào đề nghị cải cách của vị thủ tướng. Đây có thể là một dấu hiệu cho việc đàm phán đổ vỡ.
Đề nghị mới nhất cũng bao gồm việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, một lịch trình tư nhân hóa tài sản nhà nước, tăng thuế giá trị gia tăng các nhà hàng, khách sạn và cắt giảm một phần trợ cấp lương hưu.
Trong khi đó, Đức - chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp đã thực hiện một nhượng bộ nhỏ bằng cách thừa nhận rằng Athens sẽ cần tái cơ cấu nợ như là một phần của chương trình mới để duy trì tài chính Hy Lạp trong trung hạn. Bộ trưởng Tài chính cứng rắn của Đức - ông Wolfgang Schaeuble thừa nhận: “các khoản nợ sẽ không bền vững nếu không được cắt giảm. Tôi cho rằng IMF đã đúng khi nhận xét như vậy.” Nhưng ông Schaeuble cũng nói thêm “sẽ không cắt giảm nợ được vì điều đó là trái luật của EU”. Vị bộ trưởng cho biết sẽ có phạm vi giới hạn cho việc tái cơ cấu nợ của Hy Lạp bằng cách mở rộng kỳ hạn vay, giảm lãi suất và kéo dài tạm hoãn thanh toán nợ.
Người biểu tình kêu gọi giảm nợ cho Hy Lạp. (Ảnh: Independent)
Điệp khúc giảm nợ
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào chủ nhật để quyết định số phận của Hy Lạp. Ông đã kêu gọi một hình thức giảm nợ cho Athens như một phần của thỏa thuận mới. Nếu thỏa thuận vào ngày chủ nhật thất bại, các ngân hàng Hy Lạp có thể bị phá sản vào tuần tới. Khi đó, tất cả 28 nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận các biện pháp nhằm hạn chế sự thiệt hại từ vụ phá sản của Hy Lạp. Chúng bao gồm cả viện trợ nhân đạo, kiểm soát biên giới và từng bước giảm thiểu tác động từ Athens.
Ông Mario Draghi - Chủ tịch ECB lên tiếng nghi ngại về cơ hội giải cứu Hy Lạp. Ông đánh giá về khả năng đưa ra thỏa thuận: “Tôi không biết, tại thời điểm này nó thật sự khó khăn.” ECB vẫn đang khiến các ngân hàng Hy Lạp phải đóng cửa cho đến hết tuần.
Theo lịch trình, 3 tổ chức tín dụng sẽ cung cấp đánh giá ban đầu vào tối nay (10/7). Nếu có nhiều mặt tích cực, các bộ trưởng tài chính EU sẽ quyết định cứu trợ tài chính cho Hy Lạp vào ngày thứ bảy. Quyết định đòi hỏi sự chấp thuận của các nước góp 80% vốn của Quỹ cứu trợ tài chính châu Âu (ESM).
Vì vậy, cuộc đàm phán có thể được tiến hành dù cho một hay 2 quốc gia thành viên nhỏ bỏ phiếu chống.
Trọng Sang