Không tùy tiện dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
Trẻ nôn ra máu vì dùng thuốc hạ sốt
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết đã từng gặp nhiều bệnh nhi ngừng thở, nôn ra máu vì xuất huyết. Nguyên nhân do bố mẹ lạm dụng những nhóm thuốc hạ sốt vốn bị hạn chế sử dụng vì nhiều nguy cơ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng gặp nhiều trường hợp tương tự. “Có nhiều mẹ chưa có kiến thức về cách dùng thuốc hạ sốt tại nhà cho trẻ như: không đo nhiệt độ cho trẻ trước khi dùng thuốc, dùng thuốc không đúng liều, điều này rất nguy hiểm cho trẻ có thể dẫn đến ngộ độc thuốc, hạ thân nhiệt, co giật…”, bác sĩ Hiền nhấn mạnh.
Dùng thuốc hạ sốt không đúng cách có thể khiến trẻ nôn ra máu, thậm chí tử vong. (Ảnh minh họạ)
Lý giải về thực trạng trên, theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, tâm lý bố mẹ lo lắng trước cơn sốt của trẻ là rất phổ biến. Nhiều trẻ chưa đến mức hạ sốt (khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38 độ thì mới phải hạ sốt) đã hạ sốt; hoặc đang dùng thuốc paracetamol rất lành, nhưng hạ sốt không sâu, thời gian tái sốt nhanh là cuống cuồng tìm loại thuốc khác thay thế, chỉ để giải quyết cho tâm lý lo ngại của cha mẹ mà không lường hết được nguy hiểm.
Bác sĩ Hải dẫn chứng, đối với 1 số dạng sốt như tay chân miệng, sốt xuất huyết… việc dùng thuốc hạ sốt ibuprofen có thể gây nhiều nguy hiểm như ho, nôn ra máu, nguy cơ chảy máu cao.
Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Hải loại thuốc đang được sử dụng rất phổ biến ở các vùng quê, vì giá rẻ, hạ sốt tốt, đó là nhóm thuốc chứa chlorpeniramine trong các gói như Babyblec, Babymon. Bác sĩ đã từng gặp 2 trường hợp bệnh nhi ngưng thở vì uống loại thuốc hạ sốt này. Bởi đây là nhóm thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, không nên dùng, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi vì thuốc có cơ chế có thể gây ngừng thở.
Chọn thuốc đúng cách
Để sử dụng thuốc hạ sốt có hiệu quả, theo bác sĩ Hiền, các bà mẹ cần lưu ý phải đo nhiệt độ cho trẻ trước khi dùng thuốc. Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ dưới 38,5°C chưa nên dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, cần nới rộng quần áo, chườm ấm tích cực cho trẻ bằng khăn ấm, lau trán, nách, bẹn.
Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ trên 38,5°C dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sỹ. Liều dùng: tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10–15 mg/kg. Mỗi lần uống thuốc cách nhau 4 đến 6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần.
“Trẻ bị sốt kèm đi ngoài phân lỏng thì tốt nhất nên dùng thuốc đường uống. Trẻ bị sốt nhưng không uống được thuốc, nôn nhiều thì nên dùng thuốc đặt hậu môn. Để đạt được hiệu quả cao và hạ sốt nhanh cho trẻ nhỏ ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nên kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều lần hơn, hoặc uống thêm Oresol theo chỉ dẫn…”, bác sĩ Hiền khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Hải, loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng từ 4 – 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5°C trở lên.
Phải đo nhiệt độ cơ thể trẻ trước khi sử dụng thuốc hạ sốt. (Ảnh minh họa)
“Khi dùng thuốc đúng liều, các mẹ cũng cần phải kiên nhẫn vì cái gì cũng cần có thời gian. Với thuốc hạ sốt paracetamol sau uống khoảng gần 1 tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần. Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, cha mẹ có thể chườm ấm cho trẻ vùng nách, bẹn để hạ sốt, cho trẻ uống nhiều nước oresol, nước trái cây cũng có tác dụng hạ sốt. Trong mùa đông, khi bé sốt không nên ủ chăn, nhiều quần áo. Có gì bất thường khó phát hiện khi em bé nằm trong đống chăn, quần áo”, bác sĩ Hải khẳng định.
Các mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện khám và được tư vấn điều trị ngay nếu trẻ có 1 trong số các triệu chứng sau:
– Sốt cao > 40°C, sốt liên tục không giảm trong vòng 24 giờ.
– Trẻ bị co giật, mệt li bì.
– Nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.
– Sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái.
Tuyệt đối không tự ý dùng phối hợp thuốc, không dùng các nhóm hạ sốt khác ngoài paracetamol nếu chưa được bác sĩ chỉ định để phòng rủi ro, nguy cơ cho trẻ.
Bảo An