Không phát hiện TQ "hội quân" ở Tây Tạng, Bắc Kinh bị nghi dùng kế Tôn Tử lừa Ấn Độ
Trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn đang gia tăng, thái độ quyết liệt của Trung Quốc đã trở nên rõ nét tới mức xung đột quân sự dường như sắp nổ ra ở khu vực Himalaya. Tuy nhiên, theo chuyên gia Brahma Chellaney, trên thực tế Bắc kinh đang tiến hành chiến tranh tâm lý để buộc New Delhi phải lùi bước mà không cần tốn 1 viên đạn nào.
Ông Chellaney nhận định, cuộc khủng hoảng hiện tại đã cho thấy trung tâm của hoạt động tuyên truyền trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc - từ chuyện kẻ gây hấn đóng vai người bị hại cho tới những nỗ lực che giấu hành động xâm nhập vào lãnh thổ Bhutan.
Giọng điệu đe dọa gay gắt của Trung Quốc cùng điều kiện tiên quyết nước này đưa ra - buộc Ấn Độ rút lực lượng của mình trước - có phần trái ngược với tinh thần sẵn sàng hòa giải của Ấn Độ.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng cho thấy Trung Quốc đã kết hợp chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và khả năng thao túng các luận điệu pháp lý như thế nào để hủy hoại năng lực kiểm soát thông tin của đối phương và củng cố kế hoạch chiến lược của mình.
Đưa ra thông tin để đánh lạc hướng đối phương là một trong số những công cụ mà Trung Quốc đang sử dụng trong cuộc chiến tâm lý nhằm chế ngự Ấn Độ mà không cần đổ máu, theo cách thức của Tôn Tử.
Hầu như mỗi ngày Bắc Kinh đều đưa ra những lời đe dọa như "sẽ dạy Ấn Độ một bài học nếu nước này không lùi bước".
Bắc Kinh cũng sử dụng các kênh truyền thông nhà nước để đe dọa "tấn công tổng lực" dọc hơn 4.000 km biên giới với Ấn Độ và cảnh báo rằng New Delhi sẽ phải thất bại nhục nhã hơn cuộc chiến tranh năm 1962. Thậm chí, một tờ báo của Trung Quốc còn gọi Bộ ngoại giao Ấn Độ là "lừa đảo".
Hồi giữa tháng 7, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát sóng một đoạn video ghi lại cảnh tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng. Tuy nhiên sau đó lại lộ ra thông tin rằng đây là một cuộc tập trận thường niên được tiến hành từ đầu tháng 6, trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Ngay sau bản tin của CCTV, tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc lại nói rằng hàng chục nghìn tấn thiết bị quân sự đã được chuyển tới Tây Tạng để đối phó với cuộc đối đầu biên giới. Thế nhưng, bài báo của PLA Daily chỉ là một phần trong cuộc chiến tâm lý của Trung Quốc bởi tình báo Ấn Độ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang tập trung lực lượng ở Tây Tạng.
Nói chung, theo ông Chellaney, từ "những tuyên bố lịch sử không có căn cứ cho tới hành động đưa thông tin sai sự thật nhằm khống chế đối phương", chiến lược của Trung Quốc đang làm lu mờ ranh giới giữa sự thực và tưởng tượng, và chiến lược này được thể hiện rõ trong cuộc đối đầu hiện thời ở Doklam.
Thi Anh