"Không phải con nhà bà, thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả"
Phát hành phim tài liệu lên Youtube: Canh bạc của điện ảnh Discovery sẽ phát sóng phim tài liệu về người Việt Nam tại Đông Phi Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 |
"Đường về" là bộ phim tài liệu của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư được sản xuất bởi Trung tâm Phim TL&PS - Đài truyền hình Việt Nam, lấy đề tài hậu chiến, chủ đề tìm mộ liệt sỹ, câu chuyện trong phim "Đường về" để lại một câu hỏi lớn không dễ trả lời với bất cứ ai sau 50 phút phim.
Hai bà mẹ cùng quê có hai người con cùng tên cùng, cùng quê quán, nhập ngũ cùng năm, hi sinh cùng năm chỉ khác nhau họ và tên đệm.
Năm 2002, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai liệt sỹ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Gia đình mẹ Hinh thống nhất để hài cốt của liệt sỹ ở tại nghĩa trang An Giang. 6 năm sau, khi đến thắp hương tại An Giang thì gia đình mới biết hài cốt đã được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê chuyện về xây cất tại nghĩa trang dòng họ tại địa phương.
Lúc này, cả hai gia đình tìm gặp nhau và cùng đi tìm sự thật về danh tính của bộ hài cốt thực sự là con của ai, chỉ còn một cách để giải quyết việc này đó là khai quật mộ để giám định xương. Đó là một quyết định đầy trăn trở và đau xót nhưng không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, sau khi khai quật và giám định mẫu hài cốt, sự thật đằng sau khiến cho câu chuyện trở nên đau xót và nhiều cung bậc cảm xúc diễn ra, buộc hai người mẹ phải đi đến những quyết định tiếp theo, mà không phải một người mẹ nào cũng có thể giải quyết thấu đáo, thuận lý, đạt tình.
"Đường về" là câu chuyện về thân phận của những con người thời hậu chiến, không chỉ chịu nỗi đau mất mát mà còn là câu chuyện về cách ứng xử đầy nhân văn, cao thượng của con người với con người, và để lại nhiều suy ngẫm với những người có hoàn cảnh tương tự. Không chỉ thế, bộ phim với thủ pháp kể chuyện chân thực, sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Một số hình ảnh trong phim "Đường về" được trình chiếu vào lúc 20h10, ngày 24/, trên VTV1.
Hai gia đình họp lại bàn về chuyện khai quật mộ và các vấn đề liên đới sau khi phát hiện mộ của liệt sỹ Tuân được di dời từ An Giang về Ninh Bình.
Hai người mẹ trò chuyện trước phần mộ được cho là của liệt sỹ Tuân.
Một cảnh trong phim.
Hàng ngày, mẹ Hà Thị Xuân vẫn chống gậy ra nghĩa trang thắp hương cho liệt sỹ Tuân.
Hai người mẹ đã có cách ứng xử đầy nhân văn và cao thượng, vượt qua khỏi những ứng xử thông thường. Cái kết đẹp của phim để lại nhiều bài học quý giá về cách đối diện với những tổn thương thời hậu chiến, không chỉ thế, thông điệp của bộ phim còn gợi cách ứng xử tử tế, lương thiện giữa người với người ngay ở thời hiện tại.