Khơi dậy khát vọng, trí tuệ, tài năng xây dựng đất nước giàu mạnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các nữ trí thức tiếp tục đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện chính sách và thực sự đi đầu lan toả những điều tốt đẹp nhất trong xã hội. Ảnh: VGP |
Sáng 26/11, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một số bộ ngành… đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (2021 - 2026) của Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Báo cáo tại Đại hội cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nữ trí thức Việt Nam tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, hoàn thành các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả và bền vững.
Tính đến hết tháng 1/2021, Hội đã có hơn 4.000 hội viên (tăng hơn 2.000 hội viên so với đầu nhiệm kỳ), có một số hội viên mạng lưới đang định cư, làm việc ở nước ngoài.
Với lực lượng hội viên mạnh, có nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các nền kinh tế nên công tác tư vấn, phản biện xã hội của Hội đóng góp hiệu quả trong quá trình xây dựng các chính sách về giáo dục, khoa học - công nghệ và bình đẳng giới.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (2021 - 2026) của Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh VGP |
Hội cũng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Tổ chức thành công 2 Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc (2019, 2020), nhiều hội thảo khoa học chuyên đề nhằm giới thiệu, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học.
Hội đã chủ quản và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu, dự án chuyển giao công nghệ, xây dựng Sàn giao dịch trực tiếp, trực tuyến về công nghệ/ sản phẩm khoa học – công nghệ, hỗ trợ chuyển giao 6 công nghệ/ sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các hoạt động hợp tác quốc tế được quan tâm, mở rộng và đẩy mạnh bao gồm cả hợp tác đa phương và song phương với nhiều đối tác là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có yếu tố nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi nói đến văn hoá, một trong những điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến là tri thức, khoa học, giáo dục. Ảnh: VGP |
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp đoàn kết nữ trí thức, phát huy sức mạnh trí tuệ của phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước, khơi dậy khát vọng cống hiến của nữ trí thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia tích cực các hoạt động của Mạng lưới các nhà khoa học nữ trên thế giới để hội nhập, nâng cao vị thế nữ trí thức Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những năm qua các nữ trí thức Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học, làm chủ kiến thức, tri thức; có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện chính sách và là những tấm gương sáng, thực sự đi đầu lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong xã hội, góp phần làm cho xã hội công bằng hơn, đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Sứ mệnh này của Hội Nữ trí thức Việt Nam cần tiếp tục được phát huy khi nữ giới đang giữ vai trò quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực như: Khoa học sức khỏe (55%); giáo dục (64%); khoa học xã hội nhân văn (58%)…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ III (2021-2026). Ảnh VGP |
Điểm lại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ ba vừa mới diễn ra (ngày 24/11), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi nói đến văn hóa, một trong những điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến là tri thức, khoa học, giáo dục. Văn hóa là tất cả những gì con người sáng tạo. Điều đấy không thể có được nếu không có tri thức.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Bác Hồ khẳng định nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, dân tộc làm cơ sở”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (năm 1948) được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa, đã khơi dậy phong trào xây đựng nền văn hóa kháng chiến, kiến quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào văn hóa đã khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc có một đất nước độc lập, thống nhất, nhân dân được tự do, hạnh phúc, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”…
Sau 35 năm đổi mới, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba nhằm khơi dậy khát vọng để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Để làm được điều này là vô cùng khó, giống như chúng ta đã phải đối mặt và chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần dù nhiều người cho rằng không thể.
Tương tự, khi bàn về chiến lược phát triển của Việt Nam 2035, các tổ chức quốc tế cho rằng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải tăng trưởng khoảng 8%/năm trở lên liên tục trong vòng 20 năm. Điều này không thể đạt được nếu chỉ bằng những biện pháp, cách làm như từ trước tới nay.
“Phải làm thế nào để khơi dậy được khát vọng của mỗi người Việt Nam có thể hy sinh tất cả quyền lợi của cá nhân để đất nước, dù không giàu có như các nước có thu nhập cao nhất nhưng cũng không được nghèo nữa. Nhưng khi Việt Nam cố gắng, các quốc gia khác cũng đang cố gắng”, Phó Thủ tướng trăn trở và chia sẻ khi đã có tấm lòng, khát vọng như vậy thì cũng phải rất trí tuệ, sáng tạo. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử không chỉ bằng lòng dũng cảm, sự hy sinh mà cả tài năng, trí tuệ, sáng tạo.
“Một khi có tấm lòng, khát vọng làm cho nhân dân hạnh phúc hơn, giúp được nhiều người hơn thì mỗi nhà khoa học, trí thức sẽ bằng mọi cách tìm tòi, trau dồi, học hỏi để tìm ra cách làm. Ngược lại nhận thức cao nhất, trí tuệ cao nhất là làm sao giúp cho tất cả mọi người hạnh phúc”, Phó Thủ tướng trao đổi và cho rằng phải tạo được môi trường cổ vũ cho những cái mới, sự sáng tạo, tôn vinh trí thức. Xây dựng luật pháp, cơ chế thiết thực để khơi dậy khát vọng, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của tất cả mọi người dân Việt Nam.
Tạo dựng môi trường văn hóa, khơi dậy sức mạnh nội sinh Việc khơi dậy sức mạnh nội sinh, các giá trị văn hóa và tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. |
Phát huy mạnh mẽ nguồn lực, giá trị, trí tuệ con người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu Gặp gỡ kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định dù ở đâu, chúng ta cũng luôn tự hào và cần phải phát huy mạnh mẽ nguồn lực, giá trị và trí tuệ con người Việt Nam, đóng góp cho nước sở tại và góp phần vào sự phát triển của đất nước. |
Tri thức trẻ Việt tại Nga trao đổi, đề xuất các vấn đề xây dựng sự nghiệp đổi mới đất nước Nhằm hướng đến Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 4 năm 2021 với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 21/11, Ban cán sự Đoàn tại Liên bang Nga phối hợp với bộ phận Giáo dục – Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia" theo hình thức trực tuyến. |