Khỏi bệnh, cô gái F0 xin ở lại chăm sóc bệnh nhân nặng
Nguyễn Trần Thanh Xuân đang giúp người bệnh ăn cháo tại Khoa ICU, Bệnh viện Đa khoa La Gi. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Nguyễn Trần Thanh Xuân (phường Phước Hội), là bệnh nhân F0 được điều trị khỏi bệnh hôm 8/8. Thông thường, F0 được chữa khỏi sẽ về nhà sau những ngày nằm viện vật vã. Nhưng hơn chục ngày qua, em không về, mà xin ở lại chăm sóc những người bệnh nặng chưa khỏi.
Từ hôm đó, sáng nào Xuân cũng thức dậy, giúp đỡ hơn chục bệnh nhân trong Khoa ICU (hồi sức cấp cứu các ca nặng) những gì có thể trong khả năng của mình.
Đến sáng 19/8, Bình Thuận đã ghi nhận 1.568 ca mắc Covid-19. Trong đó, 943 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 612 ca đã điều trị khỏi và xuất viện, 14 ca tử vong. La Gi là địa bàn dịch diễn biến phức tạp, có số ca nhiễm cao nhất tỉnh, với hơn 1.100 ca được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa La Gi (511 ca đã khỏi bệnh). Cùng với TP Phan Thiết, toàn thị xã La Gi cũng đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ hôm 15/7, hiện đang gia hạn lần 2 đến hết ngày 25/8. Các huyện còn lại áp dụng chỉ thị 15. |
Ban đầu, Xuân chỉ giúp đút cháo, cơm cho các bệnh nhân lớn tuổi. Nhưng sau thấy nhiều ca nặng không thể tự lo xay sở, em kiêm luôn cả việc thay tã, giúp vệ sinh cá nhân và ngồi trực canh bình oxy cho họ ngày cũng như đêm.
Xuân cho biết gia đình có 3 người sinh sống gần khu vực chợ La Gi, nơi dịch bệnh bùng phát kể từ giữa tháng trước. Mẹ buôn bán trong bán trong chợ bị nhiễm bệnh từ người khác, sau đó lây qua Xuân. Còn ba của Xuân là F1 âm tính, đi cách ly tập trung ở nơi khác trong thị xã.
Xuân có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, khó thở, được xác định dương tính hôm 18/7, chuyển đến điều trị trong phòng ICU sau mẹ một ngày. Mẹ của Xuân do có bệnh nền, bệnh tình trở nặng, đã không qua khỏi hôm 2/8.
Thi thể mẹ được xe y tế đưa đi an táng, Xuân gạt nước mắt ở lại điều trị. Mấy đêm liền khóc thương mẹ, cặp mắt xưng húp, nhưng lòng cô tự nhủ phải kiên cường vượt qua.
Sau một tuần mẹ mất, qua 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính, Xuân được bác sĩ thông báo khỏi bệnh. Cô xếp đồ đạc, chuẩn bị ra về. Nhìn các ca nặng lớn tuổi còn nằm lại thiếu người chăm sóc, Xuân bất chợt nảy ra ý tưởng xin các bác sĩ cho phép mình ở lại.
"Thấy rất thương các cô, chú như thương mẹ mình. Trước mắt, em xin ở lại chăm sóc họ đến hết tháng 8. Tới đây nếu bệnh viện cho phép, em sẽ tiếp tục ở lại để cùng các bác sĩ, y tá chăm sóc các bệnh nhân mới", Xuân ngậm ngùi chia sẻ.
Nhắc đến trường hợp của Xuân, Bác sĩ Đỗ Viết Hải - Phó khoa ICU hồi sức cấp cứu Bệnh viện La Gi cho biết: "Các bác sĩ ở đây rất bất ngờ khi Xuân xin ở lại. Vì các F0 khỏi bệnh cơ thể thường có khả năng sinh kháng thể miễn dịch, nên bệnh viện đã đồng ý cho Xuân thực hiện nguyện vọng. Để hạn chế nguy cơ tái nhiễm, cô phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như: sát khuẩn, đeo khẩu trang, màn chắn giọt bắn...".
Ngoài chăm sóc theo cách thông thường, hiện Xuân có thể đo huyết áp bằng máy điện tử cho bệnh nhân cùng những công việc khác hỗ trợ các nhân viên y tế. "Em Xuân còn cùng các điều dưỡng thường xuyên theo dõi oxy cho các bệnh nhân nặng để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu", bác sĩ Hải cho biết thêm.
Cùng với Xuân, hiện đã có thêm hai F0 khác vừa lành bệnh cũng xin ở lại chăm sóc người thân và các bệnh nhân khác đang nằm tại Khoa ICU. "Việc người F0 khỏi bệnh tình nguyện ở lại như Xuân rất đáng trân trọng, đang hỗ trợ tích cực cho khu điều trị trong bối cảnh thiếu nhân lực y tế", bác sĩ Hải nói.
Đã có 132.815 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh tại Việt Nam Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam ghi nhận 323.268 ca mắc COVID-19, chữa khỏi 132.815 bệnh nhân. Trong số các ca bệnh đang điều trị có 690 ca nặng và rất nặng. |
Hà Nội gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch được xây dựng trên diện tích 3,5 ha do Bệnh viện Đại học Y làm chủ đầu tư. |