Kho báu cổ vật Phật giáo
Thượng tọa Thích Huệ Vinh bên cạnh pho tượng Phật quý giá
Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên VN
Cuối năm 2014, UBND TP Đà Nẵng có văn bản chính thức chấp thuận việc thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đặt tại chùa Quán Thế Âm do trụ trì Thích Huệ Vinh quản lý. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết đơn vị tình cờ phát hiện “kho” báu vật với khoảng 500 hiện vật, cổ vật tại chùa Quán Thế Âm nhờ cuộc triển lãm Tinh hoa cổ vật Phật giáo được tổ chức vào tháng 8/2013.
“Sau đó, chúng tôi đã cử cán bộ qua tìm hiểu, nghiên cứu và được biết nhà chùa có được số lượng lớn cổ vật là nhờ nhiều thế hệ của chùa kiên trì sưu tập. Tiếp đó, nhiều nhà giám định cổ vật có tiếng như TS Phạm Quốc Quân, TS Nguyễn Đình Chiến trực tiếp vào thẩm định, đã đánh giá rất cao giá trị các bộ tượng Phật về nhiều mặt”, ông Thiện nói.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho hay hiện vật đã được giám định, với kết quả có hơn 200 cổ vật. Trong đó, nhiều bộ tượng Phật, pháp khí bằng gỗ, đồng, đá, ngọc... có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật lẫn loại hình. Niên đại các tượng gần nhất cách đây 100 năm và xa nhất là 7 thế kỷ.
“Đặc biệt, các tiến sĩ khi đến xem và làm “hộ chiếu” cho tượng Phật cổ đã cho biết có vài bộ tượng phải dày công nghiên cứu, dùng kỹ thuật công nghệ cao mới giám định được. Trong bộ sưu tập của chùa, nhiều cổ vật mang hoa văn điêu khắc đặc thù, khác lạ, chưa thấy ở các tượng thờ cổ khác”, thượng tọa Thích Huệ Vinh giới thiệu thêm.
Nhà chùa đã đầu tư một gian trưng bày rộng chừng 700 m2, đặt trang trọng tại tầng 2 của Ngũ Giác Đài Sen Ngọc. Hiện công tác chuẩn bị cho ngày khánh thành đã gần hoàn tất. Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết với việc mở “kho” báu vật lần này, TP Đà Nẵng là nơi đầu tiên và duy nhất của VN thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo.
Bộ tượng Phật Mật tông được đánh giá mang tầm bảo vật quốc gia
Cổ vật ngang tầm báu vật quốc gia
Các chuyên gia đã khuyến khích nhà chùa nên lập hồ sơ gửi ngành chức năng đề nghị xem xét công nhận một số cổ vật là bảo vật quốc gia. Trong đó, bức tượng phải kể đến đầu tiên là Quan Âm tống tử với hình thù Đức Bồ tát ẵm một đứa bé trên tay, được làm bằng chất liệu ngọc trắng vô cùng quý hiếm.
“Tương truyền, bức tượng được tìm thấy trong hoàng cung nhà Nguyễn do hoàng hậu thời đó thờ tự để cầu thái tử. Sau đó, thế thời tao loạn nên bức tượng bị thất lạc. Mãi đến sau này, bức tượng mới được tìm thấy dưới giếng tại cố đô Huế”, thượng tọa Thích Huệ Vinh kể lại.
Trong số những báu vật được các chuyên gia đánh giá ngang tầm bảo vật quốc gia có bộ 8 tượng Phật Mật tông được tạc bằng chất liệu đồng xanh và đồng đỏ. Vì nhiều lý do nên Bảo tàng Văn hóa Phật giáo chỉ trưng bày 6 tượng. Điều mà mọi người có thể thấy ngay chính là vẻ đẹp bắt mắt của bộ tượng với màu xanh, đỏ như được tráng men. Một yếu tố khác hấp dẫn người chiêm ngưỡng chính là những tư thế tạo hình tượng Phật cực kỳ khác lạ.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh giải thích 3 tượng trong lồng kính chính là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni và cả bộ tượng nhiều khả năng có nguồn gốc từ Phật viện Đồng Dương được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 dưới vương triều Champa, nơi hai tượng Phật khác được tìm thấy đã được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: tượng Phật Đồng Dương và tượng Bồ tát Tara.
Bên cạnh các báu vật đã nêu, bảo tàng còn sở hữu nhiều pho tượng Phật mang phong cách Champa với hình dáng rất lạ như: tượng Quan Âm tứ thủ với 4 phần cánh tay được nối vào 2 bắp tay; tượng Phật nhiều tay cầm 2 con trâu và nâng niu nhiều tượng Phật nhỏ, bên dưới là một bệ đỡ hình tượng Phật nằm… Ngoài ra, còn có pho tượng tạc bằng sắt lần đầu tiên được công bố.
Sự khác biệt ở bức tượng này, theo sư Thích Huệ Vinh chính là chất liệu. “Chất liệu thường thấy là đá, đồng nhưng sắt và gang dùng để đúc tượng Phật là điều ít có”, sư thầy nói và cho biết Bảo tàng Văn hóa Phật giáo còn bức tranh sơn mài khảm cừ hình đức Phật nhập niết bàn rất quý hiếm.
Bức tượng đặc biệt quý
Đặc biệt, theo thượng tọa Thích Huệ Vinh, trong số những báu vật “trình làng” đợt này sẽ có một bức tượng Phật mà “chưa bao giờ xuất hiện ở đâu”. Đó là bức tượng Bồ tát cưỡi rồng một sừng.
Tượng Bồ Tát cưỡi rồng một sừng
“Trong truyền thuyết, rồng một sừng hóa thân từ cá biển là một loại rồng dữ có thể gây sóng thần. Pho tượng cho thấy, con rồng hung hãn quẫy đuôi trên sóng. Bên trên là vị Bồ tát cầm viên Định hải châu thể hiện việc đang chế ngự rồng dữ gây sóng thần”, vị trụ trì cho hay, bức tượng này đã được một vị thượng nghị sĩ Nhật Bản mượn về để làm mẫu tạc tượng cho các chùa trong nước.
“Cơ duyên kỳ lạ là sau đợt sóng thần ở Nhật Bản, tôi có nghĩ tới việc tạc một tượng Phật cầu an, không còn sóng thần gây đại họa thì không lâu sau có một người dân đào được cổ vật này rồi mang đến chùa. Tôi chưa bao giờ thấy bức tượng như thế này”, thượng tọa nói thêm.
Theo Thanh Niên