Khẩu vị tuyển dụng thích kẻ thất bại của NASA và bài học cho những nhà khởi nghiệp muốn bỏ cuộc
Nếu bạn đã từng xem những bộ phim như "Người về từ Sao Hỏa" (The Martian) do Matt Damon đóng hay "Cuộc chiến không trọng lực" (Gravity) của Sandra Bullock, chắc bạn sẽ phải ngạc nhiên về thần kinh thép của những nhà du hành vũ trụ.
Trong "Người về từ Sao Hỏa", nhân vật chính do Matt Damon đóng bị bỏ rơi trên Sao Hỏa một mình và phải vật lộn sống sót, trồng khoai tây từ chính phân của mình trước khi được giải cứu sau 560 ngày. Còn trong "Cuộc chiến không trọng lực", nữ chính Sandra Bullock bị đứt cáp khi sửa chữa trạm vũ trụ do bão từ và phải bơ vơ ngoài không gian, vật lộn tìm kiếm đường về trái đất.
Bộ phim "Người về từ Sao hỏa"
Có thể nói, mảng khoa học vũ trụ và khám phá không gian đòi hỏi những tố chất tốt nhất của một con người để có thể đảm đương nhiệm vụ. Trớ trêu thay, cơ quan hàng không vũ trụ nổi tiếng nhất thế giới lại thích tuyển mộ những người đã từng có nhiều thất bại.
NASA cần những kẻ thất bại
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là một cơ quan đầy quyền lực khi chịu trách nhiệm phần lớn các phi vụ thám hiểm không gian cũng như dự án liên quan đến vũ trụ. Hầu hết những người làm việc cho cơ quan này đều có trình độ chuyên môn nhất định cũng như tố chất hoàn hảo để có thể đáp ứng được các nhiệm vụ khó khăn.
Một thất bại thành công
Ngày 11/4/1970, tàu Apollo 13 được phóng lên mặt trăng và gặp trục trặc chỉ 2 ngày sau đó. Hệ thống điện gặp vấn đề khiến buồng dự trữ oxy phát nổ, làm toàn bộ con tàu bị mất điện. Các phi hành gia chỉ còn lại lượng điện và oxy dự trữ khoảng 1 giờ đồng hồ, vốn được trang bị cho việc hạ cánh xuống trái đất. Những nhà phi hành quyết định từ bỏ module chính, hủy chuyến đáp xuống mặt trăng để lái module phụ trở về trái đất, bất chấp khả năng chống nhiệt khi qua tầng khí quyển thấp hơn module chính.
Sau 6 ngày gian nan trên vũ trụ, hạn chế ăn uống và hít thở để duy trì oxy, 3 phi hành gia đã lượn 1 vòng quanh mặt trăng để lấy đà ly tầm bay về trái đất. Phi hành đoàn đã bay chạm mức xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trũ trái đất nào từng bay trước đó là 400.171 km cách mặt đất trước khi về trái đất an toàn.
Sự thành công gần như bất khả thi của một nhiệm vụ thất bại này được NASA gọi là một "Thất bại thành công" (A Successful Failure)
Với hàng tỷ USD chi cho các dự án nghiên cứu, độ khó khăn về nhân lực, thời gian, tiền bạc cũng như rất nhiều điều chưa biết tồn tại trong vũ trụ, NASA đáng lẽ ra cần những nhân viên đảm bảo sự thành công dù đến nhỏ nhất. Tuy vậy, sự thực là NASA lại ưa thích những nhà khoa học, chuyên gia, phi hành viên đã có nhiều trải nghiệm thất bại trong quá khứ.
Nguyên nhân đầu tiên cho sự lựa chọn này là những người từng thất bại nhiều lần, có nhiều trải nghiệm sẽ rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm hơn. Vũ trụ là một mảng vẫn còn bí ẩn với con người và công cuộc thám hiểm, khám phá vũ trụ chưa đầy rủi ro cùng những điều chưa biết. Do đó, không có dự án nào là có thể đảm bảo thành công 100% và các nhân viên phải luôn đối mặt với những rủi ro, thất bại.
Để làm được điều này, các chuyên gia của NASA không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần có một thần kinh thép, một ý chí không bao giờ từ bỏ và một khả năng thay đổi cục diện. Trong bộ phim "Người về từ sao Hỏa", vốn được nhiều chuyên gia vũ trụ đánh giá là khá sát thực tế, không chỉ nhân vật chính Matt Damon phải vật lộn để sống sót mà chính các nhà khoa học trái đất cũng phải chạy đua với thời gian nhằm cứu sống anh.
Hãy tưởng tượng bạn được yêu cầu thay đổi động cơ của một chiếc xe vệ tinh sao cho chúng chạy dài gấp đôi trên sao hỏa nhưng với lượng nhiên liệu bằng một nửa, và thời hạn chỉ là vài ngày. Hãy tưởng tượng bạn được yêu cầu tính toán sửa chữa tàu vũ trụ để chúng có thể phóng lên khỏi trái đất trong vòng vài tháng tới bất chấp những thay đổi của quỹ đạo trái đất cùng các yếu tố môi trường, kỹ thuật khác. Hãy tưởng tượng bạn đang cô độc ngoài không gian và phải vận dụng hết các kỹ năng của mình để sinh tồn và sống sót trở về.
Đối với những chuyên gia NASA, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc có nên bỏ cuộc hay không hoặc có cần cố gắng hơn nữa hay không. Trong những tình huống thử thách xảy ra bất ngờ, gặp sự cố hay thảm họa có thể đến bất cứ khi nào như vậy, việc "chỉ cố gắng" là không đủ chứ chưa nói tới chuyện bỏ cuộc. Những nhân viên của NASA đòi hỏi cần có khả năng tư duy những khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất, có ý tưởng sáng tạo tuyệt vời, một thần kinh thép để ứng biến trước mọi tình huống.
Hành trình gian nan của Apollo 13
Phi hành gia Fred Haise đang điều khiển module phụ bay về trái đất
Với một công việc đầy căng thẳng và thử thách như vậy, những người từng thất bại nhiều lần lại là đối tượng được NASA nhắm đến bởi họ đã có kinh nghiêm trải qua các thử thách. Tất nhiên, NASA đòi hỏi nhân viên của mình phải là những người giải quyết được thách thức chứ không phải là những kẻ chỉ biết đến thất bại.
Trên trang web chính thức của NASA, cơ quan này cũng đã đăng tải 1 bài viết vào năm 2007 với tựa đề "Thất bại là mẹ thành công", cho thấy quan điểm rõ ràng về sự không tránh khỏi của thất bại cũng như việc phải đương đầu và học hỏi từ chúng ra sao.
Đối với NASA, thất bại là điều không thể tránh khỏi khi con người biết quá ít về không gian cũng như chưa đủ điều kiện để thăm dò hết vũ trụ. Bởi vậy, tầm quan trọng của những người từng thất bại và có kinh nghiệm đương đầu với nó là vô cùng lớn.
Tất nhiên, sau mỗi thất bại NASA đều học hỏi từ chúng. Năm 2003, tàu vũ trụ con thoi phóng lên từ bang Texas tại Mỹ nổ vỡ khiến toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người thiệt mạng và NASA đã dừng chương trình trong vài năm để nghiên cứu thất bại này. Phải đến 41 tháng sau, NASA mới phóng tàu con thoi trở lại để đưa người lên vũ trụ.
Văn hóa hình thành từ Chiến tranh lạnh
NASA được Cựu tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower thành lập vào năm 1958 giữa thời kỳ Chiến tranh lạnh với Nga. Mặc dù cơ quan này bao gồm các hoạt động dân sự hơn là quân sự nhưng đây lại là một trong những chiến tuyến được dùng để cạnh tranh với Nga.
Nguyên nhân chính là việc phóng các tên lửa, vệ tinh hay tàu vũ trụ vào không gian sẽ chứng minh được một quốc gia có nền tảng khoa học, quân sự đủ mạnh để răn đe với những nước khác. Thêm vào đó, các cuộc phóng vệ tinh có thể được coi là những vụ thử tên lửa trá hình, cho thấy tầm bắn và tầm bay, qua đó thị uy với nhiều quốc gia khác.
Trong những năm tháng của Chiến tranh lạnh, chạy đua về không gian vũ trụ đã được Mỹ-Nga liên tiếp đẩy lên cao. Hàng loạt những vụ thử phóng vệ tinh, đưa người vào không gian, thám hiểm mặt trăng, sao hỏa… được 2 cường quốc liên tiếp thực hiện.
Một vụ phóng tàu con thoi của NASA
Đây cũng là thời kỳ khoa học vũ trụ đạt được vô số thành tựu vượt bậc cũng như hình thành nên một nền văn hóa vô cùng đặc biệt tại NASA. Trong Chiến tranh lạnh, các nhà khoa học của cơ quan này phải chịu áp lực rất lớn khi phải cạnh tranh với những người đồng nghiệp ở bên kia bán cầu. Nhiệm vụ của họ là phải hoàn thành những dự án chưa từng được thực hiện trước đó và phải thành công bởi chúng không chỉ tiêu tốn vô số của cải, thời gian mà còn là biểu tượng cho quốc gia.
Chính bởi vậy, văn hóa của NASA thời kỳ này luôn là chuẩn bị tốt nhất có thể và tiếp tục tiến hành, trong trường hợp có sự cố xảy ra thì khắc phục một cách nhanh nhất để duy trì dự án cho kịp tiến độ. Trường hợp không thể cứu thì tìm cách tốt nhất để hạn chế tổn thất.
Văn hóa này đã duy trì tại NASA từ thời chịu áp lực của Chiến tranh lạnh cho đến ngày nay và nó cực kỳ phù hợp với những nhà khởi nghiệp. Làm startup cũng như khám phá vũ trụ, có quá nhiều điều bạn không thể chắc chắn nên cứ chuẩn bị tốt nhất có thể và "phóng" nó ra thị trường. Chắc chắn sẽ có nhiều trục trặc xảy ra và công việc của các nhà khởi nghiệp là sửa chữa vấn đề để startup tiếp tục tiến lên.
Với những nhà khởi nghiệp, họ nên có một tinh thần như những du hành gia đơn độc ngoài vũ trụ. Câu chuyện không phải là nên bỏ cuộc hay tiếp tục cố gắng, mà là phải cố gắng một cách đầy sáng tạo để thay đổi tình thế. Trong quan niệm của những nhân viên NASA, biến điều không thể thành có thể không phải là suy nghĩ hoang tưởng, đó chỉ là những dự án cần người đi khám phá và hoàn thành.
AB