Khánh thành bảo tàng làng nhiếp ảnh nổi tiếng nhất miền Bắc
Bảo tàng là một tòa nhà 2 tầng, tọa lạc ở giữa làng, cạnh đình Đụn với tổng diện tích trưng bày gần 300m2. Bảo tàng sử dụng khoảng 140 – 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Đồ họa có tính chuyên nghiệp. Ngôn ngữ sử dụng trong bảo tàng là tiếng Việt và tiếng Anh.
Bảo tàng giúp người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh cả nước hiểu hơn về làng nhiếp ảnh nổi tiếng nhất miền Bắc. (Ảnh: Lai Xa Museum)
Bảo tàng giúp người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh cả nước hiểu hơn về Lai Xá – làng nhiếp ảnh nổi tiếng nhất miền Bắc, với nội dung trưng bày tập trung vào các chủ đề chính như: Tái tạo kiểu sắp đặt biểu tượng một phòng chụp ảnh xưa; Ông tổ nghề ảnh của làng; Các hiệu ảnh xưa; Bếp núc của nghề nhiếp ảnh; Ảnh thờ; Ảnh chân dung; Chân dung các nghệ sĩ; Nghệ thuật chiếu sáng; Ảnh tô mầu; Phóng viên, nghệ sĩ; Câu lạc bộ nhiếp ảnh Khánh Ký và Các hiệu ảnh ngày nay. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng dành một không gian mang tính thường xuyên thay đổi đề giới thiệu những bức ảnh đẹp của các nghệ sĩ nhiếp ảnh người Lai Xá hiện nay.
Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Tây. Nơi đây nổi tiếng bởi được coi là tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam.
Theo sử sách của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam. Năm 1869, cụ Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Song không được bao lâu thì hiệu ảnh phải đóng cửa do chiến tranh và chưa có ai kế tục được nghề.
Năm 1890, cụ Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) người làng Lai Xá được chú ruột đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương ở phố Hàng Bồ của một người Hoa. Sau hai năm theo học, với năng khiếu bẩm sinh, cùng sự ham học hỏi, cụ Khánh Ký đã lĩnh hội được những tinh hoa của ngón nghề nhiếp ảnh như: Kỹ thuật chụp ảnh ở mọi khoảnh khắc, xử lý ánh sáng và làm ảnh trong buồng tối… Cụ Khánh Ký đã mở hiệu ảnh mang tên Khánh Ký tại phố Hàng Da khi mới tròn 18 tuổi. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh ở trong nước và nước ngoài, cụ Khánh Ký còn về quê truyền nghề, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với công lao biến một nghề ngoại nhập trở thành nghề truyền thống và đưa nghề nhiếp ảnh tới mọi miền đất nước, cụ Nguyễn Đình Khánh trở thành 1 trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Hoàng Hà